Trung Quốc "tự tin thái quá" sau lễ duyệt binh?
Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Quốc) cho hay, trên mạng Internet nước này hồi tháng trước xuất hiện một đoạn video 3D mô phỏng "chiến dịch cướp đảo".
Mặc dù chỉ là giả tưởng, nhưng đoạn phim ngắn trên đã đạt hơn 60 triệu lượt xem và được đánh giá là "phản ánh chủ nghĩa dân tộc cực đoan lên cao ở Trung Quốc" thời điểm hiện tại.
Theo đó, Trung Quốc - dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình - đang trở nên hung hăng hơn và khiến không ít người dân nước này tin rằng quân đội nước này (PLA) có đủ năng lực buộc Mỹ phải "rụt rè" hơn khi phản ứng với những hành động của Bắc Kinh ở châu Á-Thái Bình Dương.
Cankaoxiaoxi dẫn lời Thiếu tướng La Viện - một trong những nhân vật "diều hâu" nổi tiếng ở Trung Quốc - lớn tiếng đe dọa: "Một khi Trung Quốc 'ngửa bài' thì liệu Mỹ có nắm chắc phần thắng khi đối đầu hay không?
Cần phải hiểu rằng quân đội Trung Quốc luôn ở tư thế sẵn sàng để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh hiện đại."
Giới quan sát nhận định, sự "ngửa bài" mà ông La nói tới là đối đầu Mỹ-Trung có thể xảy ra ở biển Đông - nơi Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp và tiến hành quân sự hóa trái phép, hoặc xung đột quân sự giữa Bắc Kinh với liên minh Mỹ-Nhật ở biển Hoa Đông.
Tướng La Viện
Tính đến nay, Mỹ vẫn là cường quốc quân sự số 1 thế giới và Washington cũng "thề" sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra tại vùng biển quốc tế quanh các đảo, đá mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên biển Đông, đồng thời bố trí các khí tài quân sự hiện đại tới khu vực này.
Tuy nhiên, theo Cankaoxiaoxi, sau lễ duyệt binh trên quảng trường Thiên An Môn hôm 3/9 mà phương Tây đánh giá là "khoe cơ bắp", Trung Quốc "đang rất tự tin vào sức mạnh quân sự nổi trội của mình".
Tờ này cũng thừa nhận, việc Trung Quốc xây dựng đường băng (phi pháp-PV) trên các đảo nhân tạo là một trong những bước nhằm tập trung lực lượng quân sự của nước này tới vùng biển Đông Nam Á.
Thiếu tướng Trung Quốc về hưu Trương Triệu Trung khi đánh giá khả năng đối chọi với quân đội Mỹ của PLA đã tuyên bố: "Quân lực Trung Quốc về cơ bản có thể đột phá chuỗi đảo thứ nhất. Việc chúng ta cần làm lúc này là tìm cách đột phá chuỗi đảo thứ hai, thứ ba."
Ông Trương muốn nói tới việc Trung Quốc sẽ thách thức Hải quân Mỹ từ khu vực Đông Á cho tới những vùng biển xa xôi như Hawaii.
Nhà nghiên cứu Richard A. Bitzinger thuộc Viện nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore nhận xét, mặc dù cuộc duyệt binh hôm 3/9 "không có gì mới mẻ về các trang bị quân sự", nhưng ông lo ngại Bắc Kinh có thể "tự tin thái quá" về sức mạnh của mình.
"Chỉ bởi Trung Quốc có khả năng làm Mỹ gặp khó khăn trong các hành động quân sự, không có nghĩa là nước này có thể chiến thắng một cuộc chiến tranh nào đó" - ông Bitzinger nói.
Một hình ảnh trong đoạn video mô phỏng "chiến tranh chiếm đảo" được đăng tải công khai trên trang Tencent của Trung Quốc.
Sức mạnh ở Thái Bình Dương
Theo Reuters, Washington sẽ không từ bỏ vị thế cường quốc số 1 trên biển ở Tây Thái Bình Dương, trong khi nước này đang theo đuổi chiến lược "xoay trục châu Á-Thái Bình Dương".
Phía Mỹ khẳng định, một bộ phận không nhỏ của quân đội nước này với tàu chiến, máy bay chiến đấu, hải quân và lính thủy đánh bộ sẽ được bố trí hoặc đồn trú ở Hạm đội Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, đảo Guam và Singapore.
Các báo cáo cũng cho biết, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ đã rời căn cứ San Diego để tới Nhật Bản từ cuối tháng 8, trong khi 3 tàu sân bay khác đóng tại bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ.
Một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc chỉ ra vấn đề quốc phòng của Trung Quốc tồn tại những khiếm khuyết rõ rệt.
Một quan chức phương Tây ở Bắc Kinh (giấu tên) nói: "Sở hữu các loại tên lửa chống tàu ngầm và sử dụng hiệu quả các tên lửa này là hai việc hoàn toàn khác nhau".
Reuters cho biết, một báo cáo gần đây nói rằng Trung Quốc đang nâng cấp tên lửa chống tàu sân bay cho một mẫu máy bay ném bom và điều này sẽ cho phép Bắc Kinh "triển khai lực lượng đến cả những nơi xa xôi ở Ấn Độ Dương".
Một quan chức ngoại giao cấp cao châu Á tại Bắc Kinh nhận định: "Thông điệp mà Trung Quốc phát đi trong giai đoạn này là 'mọi người nên làm quen (với sự hiện diện và sức mạnh quân sự của Trung Quốc)'.
Mục đích của nước này là muốn đẩy Mỹ ra càng xa càng tốt, đồng thời khẳng định khu vực châu Á chỉ có một 'anh cả' mà thôi."