1. Theo báo này, trong suốt 4 năm của nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Obama và Bộ trưởng Tư pháp Holder đã hành động để chấm dứt tất cả các cuộc điều tra về các vụ tra tấn mà CIA đã thực hiện và về những tội ác khác được thực hiện nhân danh “cuộc chiến chống khủng bố”. Họ đã can thiệp vào hết vụ việc này đến vụ việc khác để làm thất bại những lời chỉ trích, tố cáo các hành động là đã bắt cóc và tra tấn bất hợp pháp hàng nghìn người. Nhân danh bí mật quốc gia, Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ những yêu cầu hợp pháp đòi công khai những thông tin về các tội ác này. Kết quả của chính sách này là những kẻ tra tấn và những người đã ra lệnh, từ những nhân viên thẩm vấn của CIA cho đến Nhà Trắng, đều được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn.
Tờ Washington Post đưa tin về số phận của 3 người - trong đó có 2 công dân Thụy Điển và 1 công dân Anh, tất cả đều là người gốc Somali - đã bị bắt trong chuyến đi của họ tới nước Gibuti nhỏ bé ở miền đông Châu Phi và đang bị giam giữ, bị các nhân viên thuộc Cơ quan Tình báo Mỹ chất vấn liên tục trong nhiều tháng. Những người này bị CIA buộc tội ủng hộ al-Shabab (Tuổi trẻ) - tổ chức dân quân Hồi giáo đã kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở miền Nam Somali. Dù tổ chức này không dính líu gì đến một cuộc tấn công nào chống Mỹ, nhưng nó vẫn bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố nước ngoài và CIA đã treo giải thưởng đắt giá để bắt các thủ lĩnh của al-Shabab.
Đằng sau quyết định này là âm mưu của Chính phủ Mỹ muốn lợi dụng cái cớ “cuộc chiến chống khủng bố” để siết chặt sự kiểm soát của Mỹ đối với Somali, một vùng lãnh thổ mang tính chiến lược, nơi có eo biển Bab al -Mandab và là cửa ngõ tuyến đường hàng hải từ Ấn Độ Dương tới Địa Trung Hải, nơi phần lớn lượng dầu lửa thương mại của thế giới vận chuyển bằng đường biển phải đi qua. Tờ báo trên còn dẫn ra một vụ khác, xảy ra vào năm 2011, khi một người mang quốc tịch Eritoria, mạo xưng là thành viên của al-Shabab, bị bắt rồi bị đưa tới một nhà tù của Nigieria để người Mỹ hỏi cung.
Nhân vật này đã phải chịu những phương pháp hỏi cung bất hợp pháp, và bị bức cung trước một tòa án của Mỹ, không được tiếp xúc với bên ngoài, bị tra tấn, không được chăm sóc y tế. Tất cả là nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết để “làm mệt mỏi” tù nhân. Dưới thời Bush như vậy, và hiện nay vẫn như vậy.
2. Quân đội Mỹ đã thông báo sẽ triển khai một lữ đoàn đến Châu Phi để tiến hành các hoạt động liên tục tại đây. Theo Hãng tin AP, hành động này nằm trong một nỗ lực đang được tăng cường của Lầu Năm góc đưa đất nước vào cuộc chiến chống các phần tử cực đoan và mở đường cho Mỹ có một lực lượng sẵn sàng tới Châu Phi bất cứ lúc nào nếu các cuộc khủng hoảng ở đó cần phải có mặt quân đội Mỹ. Lữ đoàn thứ hai - sư đoàn bộ binh đầu tiên, được biết đến dưới cái tên “Lữ đoàn dao găm” - gồm khoảng 3.500 binh sĩ, được chỉ định để chuyên phục vụ những lợi ích của Mỹ ở Châu Phi.
Theo Lầu Năm góc, 104 sứ mệnh riêng rẽ của các nhóm quân này, bắt đầu vào tháng 3, đã được lên kế hoạch. Việc triển khai các đơn vị từ các nhóm nhỏ đến các tiểu đoàn gồm 800 người đã được lên kế hoạch tại 35 nước ở khắp Châu Phi. Việc triển khai lữ đoàn mới này chỉ là một phần nỗ lực để tăng cường cho Bộ Tư lệnh Châu Phi (AFRICOM) của Lầu Năm góc, được thành lập năm 2007. Tuy nhiên, cho đến nay, không một chính phủ Châu Phi nào sẵn sàng cung cấp cho tổ chức này một căn cứ hoạt động tại châu lục này.
Việc tăng cường AFRICOM nằm trong một chiến lược quân sự mới của Mỹ được biết đến dưới cái tên “Các lực lượng liên minh khu vực” mà Lầu Năm góc quyết tâm thực hiện trong khi họ vẫn tiếp tục rút quân khỏi Afghanistan, sau khi buộc phải rút quân khỏi Iraq. Nói cách khác, tất cả các hoạt động quân sự của Mỹ, từ cứu trợ cho đến “viện trợ nhân đạo”, hay huấn luyện các lực lượng châu Phi, đều được sử dụng làm phương tiện để chuẩn bị thực địa cho một cuộc can thiệp trực tiếp bằng quân sự của Mỹ vào Châu Phi bất cứ lúc nào, nếu tình hình đòi hỏi.
3. Theo bài viết của tác giả Wayne Madsen đăng trên mạng tin “Toàn cầu hóa” thì về mặt danh nghĩa, Mỹ thiết lập tại Nigieria một căn cứ máy bay không người lái chống tổ chức khủng bố al-Qaeda và các chiến binh Hồi giáo khác ở nước láng giềng Mali, nhưng trên thực tế nhằm thiết lập sự kiểm soát của Mỹ đối với urani và các nguồn tài nguyên khoáng sản khác của Nigieria và đàn áp dân tộc thiểu số Tuareg trong việc đấu tranh đòi quyền tự chủ giống như thế hệ cha ông của họ ở miền Bắc Mali và Angieri.
Căn cứ máy bay không người lái mới đầu được đặt tại thủ đô Niamay và sau đó sẽ được chuyển đến một vị trí tiền phương của chiến dịch, dự kiến được đặt tại Agadez, trung tâm của người Tuareg Nigieria... Căn cứ được thành lập để đối phó với các nhóm Hồi giáo khác nhau. Từ lâu Mỹ đã phản đối bất kỳ nỗ lực nào của người Tuareg để thiết lập một nhà nước độc lập riêng của họ tại sa mạc Sahara.
Ngoài việc sử dụng urani của Nigieria là một nguyên nhân cho sự can thiệp vào nước này, Lầu Năm góc và CIA còn để mắt tới các tài nguyên khoáng sản khác như nguồn dầu mỏ của Nigieria. Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ bắt đầu tuyển dụng những người có ảnh hưởng nhất trong đội quân 400 binh sĩ mà Nigieria đã gửi đi chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ chống lại lực lượng của Tổng thống Iraq Saddam Hussein trong chiến dịch “Bão táp sa mạc”.
4. Theo mạng “Tin Châu Phi”, thông qua hàng loạt các tổ chức xã hội dân sự, Mỹ đã tài trợ cho các nhóm Chesnia ở các nước cộng hòa tự trị thuộc Nga và ở nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn khoản tiền tài trợ của Mỹ đã khuyến khích các phần tử khủng bố Chesnia và các nhóm khác ở Bắc Kavkaz mà Mỹ luôn cho rằng đó chỉ là “quân du kích ly khai”, “các phần tử dân tộc”, “quân nổi dậy”, “người chống đối” thay vì gọi là “những kẻ khủng bố”. Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) liên tục từ chối công nhận các phần tử khủng bố người Chesnia và người Hồi giáo Nga là “những kẻ khủng bố”.
Các báo cáo phân tích của Cơ quan Tình báo tín hiệu (SIGINT) thuộc NSA thu được từ các hoạt động của cảnh sát Nga, Cơ quan An ninh liên bang (FSB), Cơ quan Tình báo đối ngoại (SVR) và các phương tiện thông tin liên lạc quân sự của Nga như đài phát thanh, điện thoại cố định và di động, fax, tin nhắn văn bản từ năm 2003 đều gọi các phần tử khủng bố Chesnia và Bắc Kavkaz là “những du kích”. Trước những năm đó, mật mã trong các chỉ thị nội bộ NSA mang tính tuyệt mật đã khẳng định rõ các phần tử khủng bố Chesnia nên được gọi là “quân nổi dậy”.
Hãy tưởng tượng Mỹ ngạc nhiên đến chừng nào khi bắt đầu gọi al-Qaeda là các du kích Hồi giáo và quân “nổi dậy” thay vì khủng bố. Tuy nhiên, đó chính xác là những gì mà NSA và CIA đã gọi đối với các phần tử khủng bố ở Nga khi số này đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công tàn khốc vào sân bay, tàu hỏa, nhà ga tàu điện ngầm, trường học, rạp chiếu phim trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga.