"Nhiệm vụ bất khả thi" đưa Ukraine rời xa Nga, hóa "Ba Lan mới"

Đức Huy |

Trong một bài phân tích mới đây trên tạp chí Forbes, tác giả Kenneth Rapoza nhận định về tình hình "rời Nga, hướng phương Tây" của chính phủ Ukraine hiện tại.

Lãnh đạo Ukraine sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 đã cam kết với người dân rằng họ sẽ tiến hành cải cách kinh tế. Từ đó, việc thực hiện cam kết nói trên cũng trở thành thước đo để đánh giá độ tin cậy của người dân Ukraine đối với các thế hệ lãnh đạo nước này.

Theo ông Rapoza, chính phủ Ukraine hiện nay thừa nhận họ đang phải đối mặt với một "nhiệm vụ bất khả thi": đó là cải cách một nền kinh tế theo mô hình Liên Xô cũ và chuyển sang hướng "Tây hóa".

Điều này đồng nghĩa với việc thay đổi những tập quán kinh doanh đã được áp dụng trong hàng trăm năm qua để phù hợp với kiểu cách của châu Âu. Nhưng nếu bộ máy của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk muốn có được lòng tin của người dân, họ phải làm được điều đó.

Nếu nhìn vào những nhân vật tham dự Hội nghị Chiến lược châu Âu Yalta (YES) tại Kiev tuần trước, có thể thấy Ukraine đang đi đúng hướng. Nhưng theo ông Rapoza, đúng hướng là một chuyện, còn có đến được đích hay không lại là chuyện khác.

"Một mớ bòng bong"

Không một ai trong số những gương mặt đại diện chính phủ Kiev có mặt tại YES phủ nhận thực tế rằng từ khi quyết định bứt ra khỏi "vòng ảnh hưởng" của Nga, Ukraine đang rối như "một mớ bòng bong".


Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk trả lời phỏng vấn trong khuôn khổ hội nghị YES tuần trước. Ảnh: Forbes

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk trả lời phỏng vấn trong khuôn khổ hội nghị YES tuần trước. Ảnh: Forbes

Người chịu tác động lớn nhất không ai khác chính là Thủ tướng Yatsenyuk. Ông đã mất đi một đảng đồng minh, và độ tín nhiệm của người dân dành cho ông đang ở mức thấp hơn bao giờ hết, tất cả chỉ vì những hệ quả tiêu cực mà quá trình cải cách kinh tế mang lại.

Việc cương quyết "rời xa" Nga đã dẫn đến những lệnh trừng phạt nghiêm trọng liên quan đến ngành công nghiệp năng lượng, ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều doanh nghiệp Ukraine.

Nga sáp nhập Crimea cũng là một hệ quả từ quyết định "tây hóa" của Ukraine. Khu vực miền đông cũng đang chuyển dần sang dùng đồng ruble. Lệnh ngừng bắn gần đây giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai tuy vẫn được chấp hành nhưng khả năng điều đó kéo dài là gần như không thể.

Việc thu hút đầu tư vào thị trường Ukraine cũng đang gặp phải trở ngại lớn từ nạn tham nhũng hoành hành tại đất nước với 45 triệu dân này. Khoảng 20% tổng tài sản của Ukraine nằm trong tay 10 tài phiệt; còn tập đoàn năng lượng nhà nước Naftogaz chiếm tới 8% tổng GDP.

Mức sống trên khắp Ukraine đang giảm đáng kể, còn nền kinh tế dự kiến sẽ suy giảm ít nhất là 8%.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ukraine vẫn tỏ ra lạc quan. Ông chỉ ra những lý do để tin tưởng vào một tương lai khả quan hơn cho đất nước: thị trường năng lượng đang có tiến triển tốt, chi tiêu xã hội đã được cắt giảm, và hệ thống thuế được cải thiện.

Ngoài ra, Kiev cũng đã dựng nên một lực lượng quân đội và Vệ binh Quốc gia hùng mạnh, với sự hỗ trợ về nhiều mặt từ Mỹ và EU.

"Chúng tôi đã thông qua được những dự luật cần thiết dù phải chịu nhiều đợt công kích từ phe đối lập trong bối cảnh liên minh cầm quyền đang yếu đi.

Việc cải cách đang gặp khó khăn, nhưng tôi phải nói rằng trong 20 năm qua không một chính phủ Ukraine nào làm được những gì chúng tôi đang làm" - ông Yatsenyuk khẳng định.

Khó những vẫn quyết tâm

"Tin vui" là chính phủ Ukraine dường như rất quyết tâm biến Ukraine trở thành một Ba Lan mới. Tuy nhiên, để quá trình "tây hóa" nền kinh tế diễn ra triệt để, chuyên gia Rapoza khẳng định Ukraine cần xóa bỏ hoàn toàn mạng lưới tài phiệt nước này.

Cạnh tranh công bằng vẫn là một khái niệm tương đối xa lạ đối với giới kinh doanh Ukraine, khi mà nạn tham nhũng đã và đang diễn ra gần như công khai. Hàng xuất khẩu đến cảng Odessa thường xuyên bị hải quan "hỏi thăm" và đòi hối lộ.

Do đó, theo ông Rapoza, điều Ukraine cần lúc này là một hệ thống minh bạch hơn, một hệ thống mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể tuân thủ mà không sợ bị thua thiệt vì không "hiểu chuyện".

Chuyên gia kinh tế-viện nghiên cứu Atlantic
Anders Aslund
Một cách đơn giản để "làm tiền" ở Ukraine là mua khí đốt tự nhiên với giá rẻ rồi bán lại với giá gấp 5. Nhưng nhờ có bộ luật cải cách giá dầu hồi tháng 4, nguồn tiền tham nhũng số một ở Ukraine nay đã không còn. Đây là cơ hội thứ ba mà Kiev cần tận dụng để đẩy mạnh cải cách.

Trong một năm qua, Ukraine đã thành lập một ủy ban chuyên trách chống tham nhũng, thay máu lực lượng cảnh sát với những gương mặt trẻ "chưa dính chàm", đồng thời áp dụng một hệ thống đấu thầu mới dành cho các hợp đồng ở cấp chính phủ.

Tuy nhiên, theo cựu Bộ trưởng Tài chính Slovakia và nay là cố vấn ủy ban kinh tế chính phủ Ukraine, ông Ivan Miklos, các biện pháp cải cách hiện nay mang tính chính trị và trên giấy tờ nhiều hơn là tính thiết thực.

Các nhà tài phiệt giàu có không muốn hệ thống kinh doanh độc quyền của họ phải nhường chỗ cho cạnh tranh công bằng, do đó họ bỏ tiền ra thuê truyền thông Ukraine viết những bài báo tiêu cực về các bộ trưởng có thiên hướng ủng hộ cải cách.

"Chúng ta không thể chỉ cải cách qua những nghị định" - tân Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Andriy Pyvorarksyi, một trong những gương mặt trẻ (năm nay ông mới ngoài 30) ủng hộ cải cách trong giới cầm quyền Ukraine, nhấn mạnh.

Việc "tây hóa" Ukraine, theo chuyên gia Rapoza, thực chất phụ thuộc nhiều vào tâm lý người dân Ukraine hơn là chính sách của Nga. Đây cũng là lý do tại sao ông cho rằng cải cách hiện nay vẫn là một "nhiệm vụ bất khả thi" đối với chỉnh phủ Kiev.

Ông Rapoza nhận định, dân số Ukraine vẫn tương đối già, và đại bộ phận người có tuổi vẫn có thiên hướng nghiêng về những giá trị cũ và phản đối cải cách.

Do đó, dù chính phủ Kiev đã đặt ra những kế hoạch hết sức cụ thể để biến Ukraine thành một "Ba Lan mới", nhưng họ không thể kiểm soát được tâm lý người dân, trong đó có một bộ phận không nhỏ vẫn mang trong mình hoài niệm "hướng đông".

Và chừng nào Kiev còn chưa chứng minh được cho người dân thấy những tiến triển thu được từ cải cách, những suy nghĩ trên vẫn sẽ hiện hữu.

"Lúc này, người dân Ukraine là những đồng minh duy nhất của chúng ta. Để có được sự ủng hộ của họ, chúng ta phải cho họ thấy được những thành quả cụ thể" - Thủ tướng Yatsenyuk nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại