Nhân tố bất ngờ có thể "xoay chuyển" hội đàm Obama-Tập Cận Bình

Hải Võ |

Trong khi Trung Quốc bất mãn vì bị Mỹ đe dọa cấm vận kinh tế, một tín hiệu mới từ châu Âu có thể trở thành động lực để Bắc Kinh "xét lại" việc thỏa thuận với Washington.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đưa tin, "nguồn tin nắm rõ tình hình ngoại giao châu Âu" xác nhận với tờ này hôm 13/9 rằng, Thủ tướng Đức Angela Merkel "quan tâm chặt chẽ" sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như diễn biến quan hệ nước lớn.

Thông tin này được Hoàn Cầu tiết lộ trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến công du Mỹ cấp nhà nước vào tuần tới. Cuộc đối thoại thượng đỉnh Mỹ-Trung được cho là sẽ có ảnh hưởng lớn tới môi trường ngoại giao châu Âu.

Nếu vấn đề hợp tác kinh tế giữa 2 quốc gia này trở nên cởi mở hơn thì các nước châu Âu, trong đó có Đức chắc chắn sẽ không chịu "tụt hậu" trước Mỹ, ví dụ như thúc đẩy một hiệp định mậu dịch tự do Trung-Âu.

Hoàn Cầu tái khẳng định, Thủ tướng Đức Merkel "có ý định nhanh chóng đến Trung Quốc", tuy nhiên về mặt thời gian, bà ít có khả năng thực hiện chuyến thăm này trước khi ông Tập công du nước Anh.

Tờ này dự đoán, Berlin sẽ có lịch trình cụ thể cho hoạt động ngoại giao của Thủ tướng trong vòng 60 ngày, nhằm đẩy nhanh phát triển quan hệ Trung-Âu, Trung-Đức.

Đại sứ Đức tại Trung Quốc Michael Clauss mới đây cũng "úp mở" rằng Thủ tướng Đức "rất có khả năng sang thăm Trung Quốc".

Ông Clauss nhấn mạnh những nỗ lực của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến công du châu Âu hồi mùa hè, nhằm kết nối kế hoạch "1 vành đai 1 con đường" của Trung Quốc với "kế hoạch đầu tư Juncker" trị giá 315 tỉ euro của liên minh châu Âu (EU).


Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) sẽ quan sát động tĩnh từ cuộc gặp Obama-Tập Cận Bình trước khi quyết định xúc tiến các bước phát triển quan hệ với Bắc Kinh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) sẽ quan sát "động tĩnh" từ cuộc gặp Obama-Tập Cận Bình trước khi quyết định xúc tiến các bước phát triển quan hệ với Bắc Kinh.

Thủ tướng Đức tạo động lực để Bắc Kinh "mềm" hơn với Mỹ

Nhà nghiên cứu Lưu Lợi Cương thuộc Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, Mỹ nói với Hoàn Cầu, quan hệ kinh tế Mỹ-Trung sẽ là nội dung quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình.

Theo ông Lưu, song phương sẽ đi sâu trao đổi, thương lượng để tìm kiếm cơ hội thỏa thuận, hợp tác ở các vấn đề kinh tế "nóng".

Lưu Lợi Cương bình luận: "Đối với tương lai của nền kinh tế Trung Quốc, đánh giá của thị trường có phần quá bi quan.

Ông Tập Cận Bình sẽ tranh thủ các cuộc hội đàm trong chuyến công du để thảo luận về cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển cơ chế sở hữu hỗn hợp, cải cách tài chính, thỏa thuận đầu tư Mỹ-Trung, quản lý rủi ro thị trường chứng khoán Trung Quốc..."

Khoảng 2 tuần sau khi cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Trung kết thúc, Viện Peterson sẽ tổ chức hội nghị cùng các "ông lớn" tài chính ở phố Wall để đưa ra báo cáo đánh giá diễn biến và rủi ro quan hệ kinh tế Mỹ-Trung.

Một học giả người Đức trả lời Hoàn Cầu: "Nếu quan hệ Mỹ-Trung phát triển theo chiều hướng tốt thì Đức sẽ nhanh chóng có động thái. Một đoàn đại biểu gồm các nghị sĩ Đức sẽ tới Bắc Kinh 'tiền trạm' ngay trong tuần tới."

Thông tin về khả năng bà Angela Merkel tới Trung Quốc rất có thể trở thành động lực mới để Trung Quốc "đầu tư cẩn thận hơn" cho chuyến đi Mỹ của ông Tập Cận Bình.

Tờ The Hill (Mỹ) hôm 13/9 dẫn lời các cựu quan chức và chuyên gia Mỹ đánh giá, chuyến thăm của ông Tập có thể bị hoãn lại do Bắc Kinh không hài lòng với lệnh trừng phạt kinh tế từ Washington.

Mỹ đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng, đánh cắp thông tin "mật" từ các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ trong nhiều năm qua.

Trong một diễn biến khác, báo chí châu Âu và Nữ hoàng Anh Elizabeth II trước đó đã xác nhận việc ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện sẽ tiến hành chuyến thăm chính thức nước Anh vào tháng 10.

Thông báo của Điện Buckingham cũng cho biết, đây là lần đầu Chủ tịch Trung Quốc thăm chính thức nước Anh sau 10 năm, kể từ chuyến thăm của nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào năm 2005.

Trong chuyến công du Anh, ông Tập sẽ có cuộc hội ngộ Thủ tướng David Cameron. Cuộc gặp này được kỳ vọng cải thiện quan hệ Trung-Anh, vốn đi xuống từ năm 2012 bởi ông Cameron hội kiến Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng.

Năm 2013, ông Cameron cũng thực hiện một chuyến thăm Bắc Kinh để vãn hồi quan hệ ngoại giao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại