Tạp chí Newsweek (Mỹ) hôm 13/9 nhận định, những mục tiêu ông Tập Cận Bình nhắm tới trong chuyến thăm Mỹ nhiều khả năng sẽ không đạt được.
Giới quan sát Mỹ-Trung cho rằng, nếu ông Tập tuyên bố "xem xét lại dự luật quản lý tổ chức phi chính phủ" thì đây có thể sẽ là thành quả tích cực hiếm hoi mà song phương đạt được thỏa thuận chung.
Sở dĩ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung được cho là khó thu được nhiều kết quả bởi những gì Bắc Kinh đòi hỏi là quá nhiều, trong khi Washington chưa muốn "cho".
Trật tự thế giới mới
Điều đầu tiên ông Tập có thể thương lượng với Mỹ là yêu cầu nước này "thừa nhận trật tự quốc tế mới do Trung Quốc chủ trương".
Trong vài năm trở lại đây, các học giả và quan chức Trung Quốc thường xuyên nhắc tới "trật tự thế giới mới", mặc dù trên thực tế chính Bắc Kinh cũng chưa từng định nghĩa rõ ràng trật tự này bao gồm những gì.
Dù vậy, có thể hiểu rằng nước này kỳ vọng xây dựng trật tự thế giới lưỡng cực hoặc đa cực, miễn là Trung Quốc có thể "bằng vai phải lứa" với Mỹ trong lĩnh vực xây dựng các tiêu chuẩn và an ninh quốc tế, thay cho tiếng nói "gần như tuyệt đối" hiện nay của Washington.
Đối với nhiều người Trung Quốc, "trật tự thế giới mới" được phản ánh trong chính chiến lược "1 vành đai 1 con đường" mà ông Tập khởi xướng.
Theo đó, Trung Quốc sẽ thông qua hỗ trợ các quốc gia nằm trong kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, qua đó thiết lập một hệ thống đồ sộ cho phép nước này kết nối "trơn tru" với các khu vực khác.
Một số học giả Trung Quốc thì nhấn mạnh hơn việc yêu cầu Mỹ thừa nhận trật thự thế giới lưỡng cực mà Mỹ-Trung "bắt tay xử lý các sự vụ toàn cầu".
Những quan điểm như "nhóm G2", quan hệ nước lớn kiểu mới hay "Mỹ-Trung là quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới" thể hiện khá rõ điều này.
Mặc dù chính quyền của Tổng thống Obama ghi nhận vị thế quốc tế và tầm quan trọng của Trung Quốc không ngừng gia tăng, song Washington chưa một lần thừa nhận Bắc Kinh "ngang hàng" với mình.
Vì vậy, theo Newsweek, ông Tập cũng không có nhiều hy vọng tạo ra "đột phá", khiến Mỹ phải "nhìn sắc mặt" Trung Quốc dù là trong vấn đề nội chính hay ngoại giao.
Hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép mà Trung Quốc thực hiện tại Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe
Chấp nhận chính sách an ninh của Trung Quốc
Tạp chí Mỹ cho rằng trong hội nghị thượng đỉnh, ông Tập Cận Bình sẽ yêu cầu Mỹ chấp nhận chiến lược an ninh khu vực mà Bắc Kinh đang theo đuổi tại những "vùng nóng" như biển Đông và biển Hoa Đông.
Washington không thừa nhận những tuyên bố về lãnh thổ của Trung Quốc tại các khu vực này, đồng thời tỏ rõ lập trường bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông trước những hành vi xâm phạm, bành trướng của Bắc Kinh.
Phía Mỹ đánh giá, việc Trung Quốc đẩy mạnh lấp biển, xây đảo nhân tạo (phi pháp-PV) ở biển Đông đã "vượt qua sức nhẫn nhịn" của các quốc gia trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.
Newsweek kết luận, cuộc gặp Tập Cận Bình-Obama sẽ không mang nhiều ý nghĩa bởi nếu Bắc Kinh không đạt được điều mình muốn, nước này cũng sẽ "làm cứng" trong vấn đề an ninh mạng cũng như lập trường hung hăng trên biển.