Trong một bài báo được đăng tải vào tháng 3 năm nay về thảm họa chuyến bay MH17, Reuters đã có cuộc trao đổi với ông Pyotr Fedotov, một người dân 58 tuổi sống tại làng Chervonniy Zhovten tại vùng Lugansk ở miền Đông Ukraine.
Hãng này đưa tin: “Khi được Reuters phỏng vấn, ông Fedotov, nhân chứng đã từng cho biết ông đã thấy quả tên lửa “lắc lư” khi đang bay, lúc đầu nói trước máy quay rằng nó được bắn đi từ địa phận của quân Ukraine.
Sau đó, lúc máy quay không chạy, ông khẳng định tên lửa được bắn đi từ vùng của quân ly khai. Được biết nguyên nhân ông thay đổi lời nói của mình là bởi ông lo sợ quân nổi dậy”.
Hãng tin RT của Nga đã liên lạc với ông Fedotov và ông đã đồng ý trả lời phỏng vấn. Ông nói rằng phóng viên của Reuters đã dẫn lời không chính xác so với nguyên văn câu trả lời của ông.
“Khi tôi nói về chiếc máy bay trước ống kính, tôi giải thích cho họ bất cứ những gì tôi thấy. Những gì mà tôi được cho là đã nói khi máy quay không hoạt động là do nhà báo thêm vào. Chúng tôi chưa bao giờ nói về chiếc Boeing sau cuộc phỏng vấn”, ông Fedotov nói.
Ông nói thêm rằng phóng viên Reuters đã liên lạc với ông sau đó, nhưng chưa bao giờ cho ông xem bản nháp của bài viết. Thay vào đó người này hỏi rằng liệu ông Fedotov có gặp rắc rối gì khi nói chuyện với anh ta hay không.
“Người phóng viên này gọi điện cho tôi và hỏi tôi có gặp chuyện gì không. Tôi đã rất ngạc nhiên. Tại sao tôi lại gặp chuyện khi nói sự thật?.
Vài người bạn của tôi bảo rằng trong bài viết tôi đã nói ra hai điều trái ngược nhau khi có và không có máy quay. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao anh ta hỏi tôi có gặp vấn đề gì không”, ông giải thích.
Phía RT đã yêu cầu lời bình luận của hãng thông tấn Reuters cũng như đoạn băng ghi hình ông Fedotov nhưng không nhận được hồi âm.
Bài báo của Reuters không chỉ được dựa trên lời nói của ông Fedotov. Hãng này còn nói thêm rằng có 3 người khác trong làng nhìn thấy tên lửa, nhưng chỉ có ông Fedotov là người duy nhất nói rằng cả hai bên đều có thể đã bắn tên lửa.
Bài viết này cũng nhấn mạnh rằng những gì nhân chứng thấy không thể chứng minh rằng đó là quả tên lửa đã bắn rơi máy bay của hãng Malaysia.
Trước đó vào đầu tháng 3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên án bài báo của Reuters về các nhân chứng.
Ông Lavrov cũng nói rằng hiện vẫn còn nhiều câu hỏi mà phía Nga đưa ra nhưng vẫn không có câu trả lời và đến nay vẫn chưa có ảnh chụp từ vệ tinh của Mỹ hay dữ liệu ghi âm của đài kiểm soát không lưu Ukraine khi liên lạc với máy bay bị nạn.
Chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia đã bị bắn rơi khi bay ngang qua miền Đông Ukraine vào ngày 17/7 năm ngoái, làm toàn bộ 298 người trên máy bay tử nạn.
Vụ việc vẫn còn gây nhiều tranh cãi khi Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc quân nổi dậy và Nga đứng đằng sau vụ việc này.
Vụ việc hiện đang được Hà Lan tiến hành điều tra, tuy nhiên báo cáo sơ bộ được công bố vào năm ngoái không chỉ ra được loại vũ khí nào đã được sử dụng để bắn rơi máy bay, chỉ kết luận rằng một lực tác động mạnh từ bên ngoài đã phá hủy nó trên không trung.
Nga đã kêu gọi không được vội vàng kết luận và đã tung dữ liệu được cho là của quân đội Nga, cho thấy sự xuất hiện của dàn phóng tên lửa và máy bay Ukraine trong khu vực vào ngày máy bay bị bắn rơi.
Trước đó, truyền thông Ukraine đã đưa tin sai rằng các điều tra viên Hà Lan kết luận MH17 đã bị quân ly khai bắn rơi bằng tên lửa Buk. Các công tố viên Hà Lan nói với hãng RT rằng cuộc điều tra vẫn chưa có kết luận cuối cùng.