2 giờ sáng ngày 9/2 (theo giờ Việt Nam), Nguyễn Hà Đông, tác giả của ứng dụng game Flappy Bird đang gây sốt, đã đăng tải trên Twitter của mình: "Tôi xin lỗi những người chơi Flappy Bird. 22 giờ nữa, kể từ bây giờ, tôi sẽ hạ Flappy Bird xuống. Tôi không thể chịu nổi điều này nữa",
Hà Đông nói thêm: "Không có điều gì liên quan tới các vấn đề về pháp lý. Chỉ là tôi không thể giữ nó được nữa", "Tôi cũng không bán Flappy Bird. Xin đừng hỏi", "Tôi vẫn tiếp tục làm game".
Như vậy, thời điểm game này có thể bị rút khỏi App Store và Google Play là khoảng 0h ngày 10/2.
Ngay lập tức, những dòng chia sẻ này đã được nhiều tờ báo lớn trên thế giới đăng tải cùng các tính từ "ngạc nhiên", "sốc", "bất ngờ", "lạ lùng"...
Tờ The Verge nói rằng: "Chỉ vài ngày trước đây, Nguyễn còn nói với The Verge rằng cậu ấy đang nghĩ tới phần tiếp theo" của game. Còn Techcrunch cũng cho biết đã gửi email tới Hà Đông để tìm hiểu sâu hơn về quyết định đột ngột này.
Trong khi đó, The Guardian lại tỏ ra không mấy ngạc nhiên với tuyên bố của Hà Đông bởi cho rằng, tài khoản Twitter của Đông đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự thành công của game này không phải là "chiếc giường trải đầy hoa hồng" mà người ta vẫn mong đợi. Tờ này nhận định rằng Hà Đông "đang phải chật vật đương đầu với sự thành công" của Flappy Bird.
Tờ này đã trích dẫn một vài chia sẻ của Hà Đông: "Tôi có thể nói Flappy Bird là thành công của mình. Nhưng nó cũng đã huỷ hoại cuộc sống bình thường của tôi. Vì thế bây giờ tôi ghét nó", "Truyền thông đã làm quá lên thành công của những game của tôi. Đó là điều tôi không bao giờ mong muốn. Hãy để cho tôi được bình yên". Trong thời điểm Hà Đông không chính thức đưa ra lời giải thích nào cụ thể về quyết định bất ngờ của mình, truyền thông thế giới gần như đều có chung quan điểm rằng áp lực từ những lời chỉ trích là nguyên nhân chính dẫn tới việc lập trình viên trẻ tuổi quyết định khai tử đứa con tinh thần đang gây "bão" trên thế giới này.
Tờ Forbes đăng tải bài viết của phóng viên Paul Tassi nhận định rằng, Hà Đông đã trở thành mục tiêu của nhiều sự bực dọc, khó chịu trên mạng bởi đã tạo ra thứ mà nhiều người cho rằng "một trò chơi kinh hoàng".
Tassi cho rằng việc đột ngột tuyên bố khai tử Flappy Bird là một hành động khó hiểu khi Hà Đông được cho là kiếm được 50.000 USD/ngày từ ứng dụng này. "Có phải thực sự chàng trai này không thể đối diện được với sự nổi tiếng và thành công bất ngờ, hoặc còn có điều gì khác đang diễn ra ở đây?" Có thật là những lời đả kích trên internet như hiện giờ có thể khiến một người vứt đi 50.000 USD/ngày?... Nếu những game khác của cậu ta cũng trở nên nổi tiếng thế này và sau đó cũng bị chỉ trích, liệu cậu ta có gỡ chúng không?".
"Đa phần những tương tác trên Twitter thực tế đều là những cuộc đối thoại tích cực giữa cậu ta với người hâm mộ, cám ơn họ đã ủng hộ và trả lời câu hỏi của họ. Tôi khó có thể tìm thấy những bình luận thực sự mang tính thù ghét trong bất cứ chia sẻ nào của cậu ta, kể cả những chia sẻ mới đây về việc sẽ gỡ game. Như thế, tôi chắc rằng cậu ta đã thấy đâu đó trên internet những điều nói về mình và game của mình một cách tiêu cực, và một bình luận gây tổn thương nào đó có thể đánh bại hàng trăm những lời cổ vũ tinh thần".
Tassi nhận định rằng, Hà Đông có thể là "một chàng trai bình thường, sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để tránh sự chú ý của công chúng vô tình nhằm vào mình. Tôi vẫn chưa bao giờ gặp chuyện gì như thế này".
Bài viết với tiêu đề "Flappy Bird - Phản ứng trên mạng: Điều gì đang xảy ra?" trên tờ USA Today (Mỹ) cũng đặt ra câu hỏi: "Những nhà phát triển bỏ không biết bao nhiêu thời gian để điều chỉnh game của mình với hi vọng mọi người sẽ thử nó và tìm kiếm người chơi. Ai lại quay lưng lại với một game "hot" số 1 thế giới?".
Tờ này dẫn một chia sẻ của Dale Lavine (Hampton, Virginia) rằng, "Hãy tưởng tượng xem điều gì xảy ra nếu Mark Zuckerberg bỏ đi khỏi Facebook chỉ vì khó khăn".
USA Today đã trích lời một blogger có tiếng trong giới công nghệ Mỹ Robert Scoble viết trên Facebook rằng: "Nguyễn đã kiếm đủ số tiền trong 1 tuần để sống vài năm mà không cần lương". Scoble cũng cho rằng, bằng cách gỡ game, cậu ta đã thu hút được sự chú ý lớn cho game tiếp theo của mình: "Mọi người sẽ mua game mới của cậu ta và khiến cậu ta giàu có hơn, bởi nỗi sợ rằng cậu ta cũng sẽ xoá game đó".
Chỉ trước đây một ngày, đại diện truyền thông của Nguyễn Hà Đông còn khẳng định rằng Hà Đông đang tập trung hoàn thiện phiên bản mới cho Flappy Bird và sẽ xúc tiến việc đăng kí bản quyền cho game, tránh gây tranh cãi.
Đang có nhiều thông tin cho rằng Nguyễn Hà Đông có thể bị hãng Nintendo kiện do vi phạm bản quyền trò chơi nổi tiếng của họ là Super Mario, bởi hình ảnh ống cống xanh, phông nền trong trò chơi đều giống với game Super Mario, còn con chim trong Flappy Bird cũng được cho là có nhiều điểm tương đồng với con cá bay Cheep Cheep trong game này. Nếu vụ kiện xảy ra, có thể Hà Đông sẽ phải bồi thường cho Nintendo 6 tỉ USD.
Flappy Bird cũng bị cho là “đạo” ý tưởng của game Piou Piou do nhà phát triển game người Pháp tên Kek tạo ra năm 2011. Tuy nhiên, Kek đã tuyên bố sẽ không kiện Hà Đông.