Tương lai của Trung Quốc nằm ở thành phố. Điều đó giải thích tại sao các chính sách của chính quyền nước này lại khuyến khích người dân ồ ạt di cư đến các vùng đô thị để cứu vãn sự tăng trưởng kinh tế, vốn đã có dấu hiệu hụt hơi. Và hậu quả là một nền văn hóa lâu đời gắn với các làng quê đang biến mất.
Mấy thập niên vừa qua, Trung Quốc chứng kiến một tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Hồi Trung Quốc mới mở cửa vào năm 1978, tỷ lệ dân thành thị chỉ chiếm 20%. Thế mà vào năm 2012 đã đạt 50%, và hiện tại là 54%. Trong năm 2000, nước này thống kê có 3,7 triệu ngôi làng. Con số này vào năm 2010 đã giảm xuống còn 2,6 triệu, tức là mỗi ngày trung bình có 300 ngôi làng biến mất.
Thế mà trong Hội nghị trung ương hồi tháng 11 năm rồi, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại tiếp tục chính sách thúc đẩy di dân lên thành thị. Dự định, vào năm 2018, tỷ lệ đô thị hóa nước này sẽ đạt 60%, tức sớm hơn hai năm so với dự kiến trước đó.
Bắc Kinh muốn kích thích tăng trưởng bằng cách thúc đẩy phát triển các thành phố vừa và nhỏ, nhằm đẩy mạnh tiêu dùng. Thế nhưng cái giá về tài chính và chính trị phải trả cho việc hội nhập của hàng chục triệu lao động nhập cư vào các khu đô thị mỗi năm là khổng lồ.
Nhưng cái giá về văn hóa - xã hội mới là điều đáng phải suy nghĩ nhất. “Thật nực cười là nhiều ngôi làng đã tồn tại qua hàng nghìn năm binh đao lửa đạn, thế mà giờ đây, giữa thời bình lại bị xóa sổ chỉ vì tầm nhìn ngắn hạn của lãnh đạo”, Li Huadong, Tổng thư ký Trung tâm bảo tồn và phát triển làng truyền thống Trung Quốc cay đắng nói.
Làng quê là cái nôi gìn giữ rất nhiều giá trị tinh thần: ca múa nhạc dân gian, phong tục tập quán, võ thuật, ẩm thực… Khoảng 80% trong số 10.000 di sản văn hóa phi vật thể này nằm ở các làng quê. Và nói như Li Huadong thì “nếu các ngôi làng bị phá hủy thì người Trung Quốc sẽ không còn là người Trung Quốc nữa.”