Chỉ mới 20 năm trước, Trung Quốc từng có 50.000 con sông, mỗi sông trong đó đều có lưu vực tối thiểu cũng là 100 km vuông. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ báo cáo đầu tiên do Bộ Tài nguyên nước CHND Trung Hoa công bố năm nay về việc sử dụng thứ tài nguyên này, thì 28.000 con sông đã cạn khô.. Diện tích của những dòng sông biến mất tương đương với diện tích của sông Mississippi vĩ đại nhất thế giới, như so sánh của bài viết trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong.
Chuyện gì đã xảy ra với những con sông này? Chính thức mà nói, thì người ta đổ lỗi cho biến đổi khí hậu, cũng như rằng, bây giờ sử dụng phương pháp tính toán chính xác hơn so với ngày xưa khi đếm số lượng sông. Lãnh đạo nhóm nghiên cứu quốc gia là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Nước Hoàng Hà lý giải rằng các bản đồ địa hình hồi những năm 1950 chưa được hoàn chỉnh, và điều đó dẫn đến ước tính sai.
Mặc dù có vẻ hợp lý nhưng lập luận giải thích này vẫn không làm thỏa mãn cộng đồng mạng Trung Quốc. Nhiều người trong số đó gắn sự biến mất của những dòng sông với hoạt động kinh doanh ráo riết. Tán đồng với loại ý kiến như vậy có cả Chủ tịch Viện Thái Bình Dương và là một chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài nguyên nước, ông Peter Gleick. Ông lưu ý rằng vấn đề cấp nước và sử dụng nước ở Trung Quốc ràng buộc với cả tổ hợp lý do phức tạp hơn chứ không đơn thuần là biến đổi khí hậu.
Chuyên gia Peter Gleick tin rằng bởi dân số và nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ qua tăng trưởng với nhịp độ rất nhanh chóng, một hệ quả là đất nước phải đối mặt với sự giảm sút nghiêm trọng về tài nguyên nước. Theo quan điểm của ông, sự biến mất của những dòng sông lớn và suối nguồn trong nhiều trường hợp gắn với việc lấy nước vô tội vạ và sử dụng nước thiếu kiểm soát, cả trong công nghiệp và nông nghiệp, mặc dù sự biến đổi khí hậu cũng có thể là một tác nhân không nên bỏ qua.
Sai sót thống kê và biến đổi khí hậu là lối giải thích tiện lợi, cho phép Chính phủ Trung Quốc giữ thể diện, vin vào điều kiện môi trường tự nhiên và tiến bộ công nghệ. Điều đó tạo điều kiện cho chính quyền và cơ quan chức năng rũ bỏ phần trách nhiệm về quản lý yếu kém cũng như thiếu vắng kiểm soát sử dụng nước ngầm, và không quan tâm bảo vệ môi trường.
Công trình nghiên cứu tiến hành năm 2012 của Đại học Yale (Mỹ) cho thấy, trong bảng đánh giá xếp hạng 132 quốc gia, Trung Quốc ở một trong những vị trí thấp nhất về kết quả điều hòa quan hệ cân đối giữa hiệu suất và tiêu thụ nước.