Mowaffak al-Rubaie ngồi trong văn phòng với một bức tượng Saddam Hussein đằng sau lưng, sợi dây thừng từng được dùng để treo cổ nhà độc tài quấn quanh cổ bức tượng, nhớ lại những giây phút cuối cùng của nhà cựu lãnh đạo Iraq.
“Ông ấy đã mạnh mẽ cho tới những phút cuối cùng. Tôi nhận ông ấy (Saddam) ở cửa. Không ai bước vào cùng chúng tôi, không có người nước ngoài, không có người Mỹ”, Rubaie nói trong một cuộc phỏng vấn của ông với hãng tin AFP ở văn phòng của ông tại vùng Kadhimiyah phía bắc Baghdad, gần nhà tù nơi vụ xử tử diễn ra bảy năm về trước.
“Ông ấy mặc áo khoác và áo sơ-mi trắng, tỉnh táo và thư giãn, tôi không hề thấy dấu hiệu sợ hãi nào. Tất nhiên, sẽ có những người muốn tôi nói rằng ông ấy suy sụp hay nghiện thuốc, nhưng những gì tôi đang nói là lịch sử”, Rubaie nói.
“Tôi không nghe thấy ông ấy nói gì về việc hối tiếc hay xin sự thương xót, tha thứ của Chúa trời, hay xin được ân xá. Một người sắp chết thường nói: Xin Chúa trời hãy tha thứ cho những tội lỗi của con, con đang về với người. Nhưng ông ấy không hề nói điều gì như thế”.
Saddam Hussein, cầm quyền ở Iraq trong hơn hai thập kỷ, tiến hành nhiều cuộc đàn áp đẫm máu, chiến tranh và hứng chịu lệnh cấm vận khắc nghiệt, đã bị treo cổ sau khi bị tuyên có tội với cáo buộc tội ác chống lại loài người vì vụ sát hại 148 nông dân người Shiite ở Dujail năm 1982.
Ông là tổng thống Iraq từ tháng 7/1979 tới tháng 3/2003 khi Mỹ tấn công Iraq và bị quân đội Mỹ phát hiện ẩn trốn trong một nông trại vào tháng 12 năm đó. Saddam bị xử tử ba năm sau vào ngày 30/12/2006 sau một phiên tòa chớp nhoáng.
Một số người Iraq, nhất là những người Arập dòng Sunni, nhìn lại thời kỳ Saddam nắm quyền với nhiều tiếc nuối, những giai đoạn ổn định kéo dài ở trong nước trái ngược với tình trạng bạo lực đẫm máu đang lan tràn khắp nước Iraq kể từ khi ông bị lật đổ.
Ông Saddam cũng được một số người Arập ngưỡng mộ vì cuộc chiến 1980-88 của ông với Iran, việc ông đối đầu với Mỹ, tấn công Israel và cả sự can trường trong phiên tòa ông bị tuyên án tử hình và cả trong khi thi hành án, được quay lại bằng điện thoại di động.
“Khi tôi đưa ông ấy vào, ông ấy đang bị còng tay và cầm một quyển tinh Koran”, Rubaie nói. “Tôi đưa ông ấy vào phòng thẩm phán trước, nơi người ta tuyên đọc hàng loạt tội danh. Saddam đáp lại: Đả đảo Mỹ! Đả đảo Israel! Palestine muôn năm! Đả đảo đế quốc Ba Tư!”
Rubaie sau đó đưa Saddam vào phòng xử tử. “Ông ấy dừng lại, nhìn vào giá treo cổ, rồi nhìn tôi từ đầu đến chân… và nói: bác sĩ, đây đúng là thứ cho đàn ông”. Vào lúc Saddam được đưa lên giá treo cổ, chân ông vẫn bị trói, nên Rubaie và những người khác phải đưa ông lên.
Rubaie nói ông đã kéo cái cần giá treo cổ, nhưng nó không hoạt động. Một người khác mà Rubaie không nêu tên đã tới giúp và ở lần thứ hai, Saddam bị treo cổ. Ngay trước khi bị treo cổ, Saddam bắt đầu đọc đoạn thể hiện đức tin quen thuộc của người Hồi giáo: “Tôi tin không có chúa nào khác ngoài Chúa trời toàn năng, và Mohammed…” nhưng ông phải ngừng lại ở đó trước khi kịp hoàn tất những lời cuối “là người đưa tin của Chúa trời”.
Rubaie sau đó đi xuống dưới giá treo cổ để thu xác Saddam, cho vào một cái bao màu trắng và đưa lên cáng. Thi thể ông được một trực thăng Mỹ đưa từ nhà tù nơi ông bị treo cổ tới khu dinh thự của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki, một khu vực dày đặc binh lính được vũ trang tới tận răng.
Chiếc trực thăng đã đầy người, theo lời Rubaie, nên thi thể phải đặt dưới sàn máy bay và cửa phải mở trong suốt chuyến bay vì chiếc cáng quá dài. “Tôi nhớ rõ mặt trời bắt đầu mọc” khi chiếc trực thăng bay trên bầu trời Baghdad, Rubaie nói.
Ở khu dinh thự của ông, “thủ tướng bắt tay chúng tôi và nói: Chúa phù hộ cho các anh. Tôi nói: Hãy bước lên nhìn ông ấy. Nên ông ấy bước lên dở tấm phủ mặt ra và nhìn thấy Saddam Hussein”, Rubaie, hiện vẫn là một người thân tín của thủ tướng, nói. “Tôi chưa bao giờ có cảm giác kỳ lạ như thế”.
Rubaie nói việc xử tử Saddam đã được định đoạt sau một cuộc gặp qua video giữa Maliki và tổng thống Mỹ khi đó, George Bush. “Quý vị định làm gì với tên tội phạm này?” Bush hỏi. “Chúng tôi sẽ treo cổ ông ta”, Maliki đáp. Và Bush giơ ngón tay cái lên, bày tỏ đồng ý và tán thưởng.