Chuyến du hành đặc biệt đến Triều Tiên: Trò chuyện ở Bàn Môn Điếm

Chúng tôi đi đến giới tuyến Bắc - Nam Triều Tiên. Đập vào mắt là những ngọn đồi. Dù phía trên đỉnh rực rỡ sắc màu thì phía dưới luôn là những công trình bằng bêtông.

Dọc theo quốc lộ, có thể nhìn thấy hàng loạt tảng bêtông cao khoảng hơn chục mét xếp san sát, sẽ được nổ mìn khi xảy ra chiến sự để làm tắc nghẽn đường sá.

Vượt biên giới "vô hình"

Chúng tôi dừng lại ở một trạm kiểm soát trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, thế là vào khu vực phi quân sự. Sau khi giấy tờ được kiểm tra kỹ càng, chúng tôi qua một cái hiên. Hai anh bộ đội lên xe để "bảo đảm an ninh cho đoàn". Có một anh làm công tác hướng dẫn viên, anh này nói được một ít tiếng Trung nên tôi có thể nói chuyện trực tiếp với anh. Trước khi đến đây, tôi nghĩ là sẽ có một chuyến đi quan sát chứ không có nói chuyện gì ở nơi được xem là một trong những khu vực căng thẳng nhất thế giới này. Nhưng tôi đã có những cuộc trò chuyện thú vị ở đây.

Khu vực phi quân sự liên Triều có chiều rộng chừng 4km cho mỗi bên đường giới tuyến, kéo dài từ đông sang tây bán đảo Triều Tiên. Khi tôi đến Hàn Quốc một năm trước, khu vực phi quân sự thuộc Hàn Quốc nhìn thật là khô khan và hoàn toàn dùng cho các công trình quân sự, không có dấu hiệu gì của đời sống dân sự. Nên tôi cho rằng những khu vực thuộc vùng giới tuyến của Bắc Triều Tiên cũng được quân sự hóa như bên Hàn Quốc. Tuy nhiên đó chỉ là một lầm tưởng!

Trước tiên chúng tôi thăm một gian phòng nhỏ, nơi đã từng ký kết hiệp định đình chiến, và đã tranh luận khá lâu với anh bộ đội dẫn chúng tôi đi tham quan, dĩ nhiên có mặt hai anh Kim và Li. Đối thoại về chủ đề thời sự quốc tế, về Bush "con". Rồi họ hỏi chúng tôi về cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Dĩ nhiên người Triều Tiên theo dõi kỹ hồ sơ này. Anh bộ đội đi cùng quả là dễ chịu.

Một lúc sau, chúng tôi đi tới sát biên giới, một khu nhà xây dựng trên cả đất Bắc lẫn Nam, với một vài tòa nhà trung tâm được lắp ghép ngay trên nền phân giới màu trắng. Anh hướng dẫn cho phép chúng tôi chụp ảnh thỏa thích các tòa nhà cũng như binh lính. Đúng là khó tin vì ở phía Hàn Quốc, chụp ảnh bị cấm tiệt trong phạm vi nhiều kilômet.

Chúng tôi đi vào tòa nhà lắp ghép, đi một vòng quanh cái bàn tròn, nhiều lần vượt qua biên giới "vô hình" và chúng tôi tiến sang đất Hàn Quốc trong một hay hai phút. Những người du lịch đến từ miền Nam cũng làm chính xác nghi lễ này nhưng theo ý chiều ngược lại. Đến nay thì hai miền Triều Tiên đã đồng ý về việc cho phép các đoàn khách tham quan của miền Nam và miền Bắc được qua lại vùng giới tuyến này, một điều mà người ta không dám nghĩ tới trước đây. Bây giờ đã có nhiều người Hàn Quốc được du lịch núi Kim Cương và Khu công nghiệp Kaesong.

Bắc và Nam

Khi ra khỏi tòa nhà đó, chúng tôi chụp khá nhiều ảnh lính biên phòng. Những người lính ngày ngày đối mặt nhau, cách chừng vài mét mà lại không bao giờ nói chuyện hay trao với nhau dù chỉ một cái nhìn. Tôi thật sự muốn đọc ý nghĩ trong đầu của những người lính Triều Tiên đang đối mặt nhau, cách đường phân giới có thể bước một vài bước chân sang phía bên kia.

Lính hai miền Triều Tiên giáp mặt nhau hằng ngày tại Bàn Môn Điếm, chỉ cách nhau đường phân giới. Lính Hàn Quốc bên kia đang nhìn chúng tôi bằng ống nhòm -Ảnh: Stephen Codrington

Chúng tôi đứng cách đường ranh giới màu trắng chỉ bảy hay tám mét, bên kia những người lính Hàn Quốc nhìn chúng tôi một cách chăm chú qua ống nhòm. Chúng tôi đi tới một trạm quan sát của miền Bắc nằm trong vùng phi quân sự cách đó không xa. Một anh sĩ quan khác đón chúng tôi ở đó. Anh này trông rất dễ thương, vui tính và tươi cười.

Anh chỉ dẫn chúng tôi quan sát khu phi quân sự bằng ống nhòm, chúng tôi nhìn thấy rất rõ những trạm quan sát của Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc nằm ở bờ phía nam đường giới tuyến. Anh sĩ quan nói với chúng tôi là phía Hàn Quốc bố trí cả vũ khí trong các trạm quan sát, và điều này "vi phạm trắng trợn" các công ước. Dĩ nhiên, anh quả quyết rằng miền Bắc không làm điều đó và rất tuân thủ luật quốc tế. Chúng tôi dễ dàng nhìn thấy bức tường bằng bêtông do Mỹ và Hàn Quốc dựng lên nhằm "ngăn chặn sự xâm chiếm" của miền Bắc. Quả thật là khi tôi đi thăm vùng phi quân sự thuộc Hàn Quốc thì không được phép nhìn thấy bức tường này.

Vào tầm giữa trưa, loa phát thanh Hàn Quốc phát nhạc. Do không hiểu tiếng Triều nên tôi nhờ Kim dịch lời. Một phút sau anh nói rằng lời bài hát không thật rõ và anh tin là nó liên quan đến chính trị. Tôi hỏi liệu phía miền Bắc cũng làm điều tương tự như vậy không, các anh cam đoan với tôi là không, nhưng lần này trong đầu tôi hiện rất rõ những cột phát thanh khổng lồ của miền Bắc mà tôi đã nhìn thấy từ miền Nam. Tôi cũng nhớ những điều mà người Hàn Quốc nói với tôi cách đây một năm là cả hai miền vẫn đều đặn chĩa loa phát thanh sang phía đối phương.

Tôi nói về đường hầm mà tôi đã từng tham quan ở Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc đã khám phá bốn đường hầm mà họ ước tính mỗi giờ có thể chuyển hàng nghìn lính miền Bắc vào miền Nam. Người ta ước tính còn khoảng 20 đường hầm nữa chưa được tìm ra. Anh sĩ quan khẳng định với tôi rằng những đường hầm này được đào trong chiến tranh, trong khi ở Hàn Quốc người ta nói những đường hầm này được xây dựng sau chiến tranh.

Rồi cũng đến lúc nói chào tạm biệt. Tôi tặng viên sĩ quan những điếu thuốc lá Trung Quốc, dĩ nhiên là anh thích và anh cũng không từ chối những điếu thuốc nhãn hiệu Hoa Kỳ mà những người trong đoàn tặng.

Có một con sông là đường biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Ở đó, có nhiều người Triều Tiên làm ăn sinh sống.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại