Báo giới phương Tây hí hửng với chuyện ông Putin bị chỉ trích ông can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Họ nhắc lại: trước khi diễn ra hội nghị trên, Thủ tướng Úc Tony Abbott thề sẽ “húc ngã” ông Putin, một cách nói để cự ông Putin về chuyện chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi trên không phận đông Ukraine.
Hoặc chuyện Thủ tướng Canada Stephen Harper hờ hững bắt tay ông Putin, bảo ông “rút khỏi Ukraine”, và chuyện Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh dịch Ebola và “sự hung hăng của Nga” là những nỗi đe dọa của toàn cầu, khi ông nói chuyện với sinh viên Úc ở đại học Queensland.
“Đòn tấn công vào Putin ở thượng đỉnh G-20” là tít chạy trang nhất của báo Moskovsky Komsomolets ở Moscow.
Tờ báo kể “cuộc tấn công tâm lý” vào ông Putin bắt đầu từ việc xếp ông lưu trú ở khách sạn cũ kỹ Hilton không thuộc đẳng cấp 4 sao. Khi ông đến Brisbane, với sự hộ tống của 4 tàu chiến thuộc Hạm đội Thái bình dương của hải quân Nga, những thượng khách khác tránh trò chuyện với ông ở những sự kiện công, và phớt lờ ông.
Khi chụp ảnh lưu niệm, ông Putin cũng bị xếp ở rìa, cạnh Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, theo báo Moskovsky Komsomolets.
Nhưng báo giới Nga gọi ông là người hùng vào hang cọp Putin, kênh truyền hình nhà nước Nga Channel One tuyên dương ông Putin là một lãnh đạo tài ba, đi khắp thế giới để bẻ gãy ưu thế lớn của Mỹ và lập quan hệ mới với Trung Quốc, Ấn Độ, trong khi lãnh đạo Anh, Pháp Đức đều muốn có lời khuyên của ông.
Đài này còn nói chính ông Obama mới là lãnh đạo bị cô lập tại thượng đỉnh G-20 và thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh.
Nhà báo Dmitry Kiselyov, nói tầm nhìn đơn cực của Mỹ về thế giới rõ ràng đã tiêu và đặt thắc mắc: có phải mục tiêu của ông Obama là tiêu diệt Nga ?
Ông viết trên báo Izvestia: “Putin ứng xử thật lạnh lùng đến bất thường, không hành động như những tay bình luận mất trí nhận định, khen ngợi ban tổ chức G-20 và gọi diễn đàn này đầy tính chất xây dựng.
Lý do chính cho sự bình thản của ông, là Tổng thống Nga biết Mỹ dù đang cố gắng nhưng vẫn đang lái con tàu văn minh phương Tây vào bãi san hô có tên Trung Quốc và không thể nào đổi hướng”.
Một điều chắc chắn là ai mà nghĩ lãnh đạo Nga sẽ sớm lẩn tránh Ukraine sẽ lầm to. Không có dấu hiệu ông Putin thay đổi quan điểm, việc EU quyết không tăng trừng phạt Nga vào ngày 17.11 được Moscow xem là một chiến thắng của ông Putin.
Nhà bình luận chính trị Georgy Satarov, cựu cố vấn chính trị của cố tổng thống Liên Xô Boris Yeltsin, nói chính ông Putin mới hắt hủi phương tây khi ông sớm rời khỏi thượng đỉnh G-20 trước khi sự kiện này kết thúc.
Ông Putin rời Úc về Nga
Bloomberg cũng nhắc lại những tuyên bố gần đây của ông Putin:
Ngày 18.11, khi nói chuyện với các cảm tình viên của đảng Mặt trận nhân dân của ông, ông nói:
“Mỹ muốn “không chỉ làm nhục, mà còn muốn khuất phục Nga. Chúng ta có những lãnh đạo tài ba, như Nikita Khrushchev, người từng đập giày ông ở Liên Hiệp Quốc. Và thế giới, nhất là Mỹ, cùng NATO đã nghĩ: “Tốt nhất nên để Nikita này yên, ông ta có thể đi ra và nã một quả tên lửa”.
Ngày 24.10, ông Putin nhắc lại việc lãnh đạo Phổ Otto von Bismarck lần đầu xuất hiện ở sân khấu chính trị châu Âu hồi thế kỷ 19: “Họ phát hiện ông ấy nguy hiểm vì ông ấy nói thẳng điều ông ấy nghĩ”.
Ông Putin nói tiếp: “Tôi cũng luôn ráng nói ra điều tôi nghĩ”.
Ông đã khiến thế giới phải đoán từng nước cờ của ông ở cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng một trong những mục tiêu chung của ông đã rõ: ngăn Ukraine 46 triệu dân rời khỏi quỹ đạo Nga để ngả về Tây Âu.
Phương Tây trừng phạt Nga về vụ sáp nhập Crimea không làm giảm sự ủng hộ tổng thống Putin của dân Nga.
Ông bác bỏ mọi cáo buộc của Ukraine và phương Tây, rằng ông đưa xe tăng và quân qua đông Ukraine để ủng hộ quân ly khai, trong cuộc nội chiến 8 tháng mà Liên Hiệp Quốc vừa nêu ngày 20.11: đã có 4.300 người chết.
Giai đoạn kế tiếp của cuộc khủng hoảng, là tái đàm phán về một thỏa thuận ngưng bắn ở đông Ukraine, vốn đã được ký ngày 5.9 nhưng đã bị quân ly khai và quân Ukraine phá vỡ.
Ông Putin đã nói có những vấn đề khó khăn để thực hiện thỏa thuận này và kêu gọi đối thoại, và phe ky khai nói thuận phải được bàn lại.