Ngoại giao Nhật Bản thua Trung Quốc vì …món tôm tẩm bột

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết chính sách thắt lưng buộc bụng đang làm giảm sút khả năng ngoại giao của các quan chức nước này, dẫn đến lo ngại Tokyo sẽ thua Bắc Kinh trên các mặt trận ngoại giao tự do.

Các nhà ngoại giao ở Tokyo nói các nhà ngoại giao Trung Quốc có vẻ như khá “thoải mái” trong chi tiêu khi thực hiện các sứ mệnh của mình, trong khi các nhà ngoại giao Nhật Bản đang bị buộc phải tiết kiệm hơn.

Phụ cấp cho các đại sứ quán Nhật Bản đã giảm mạnh đến 40% trong một thập kỷ qua, Ngoại trưởng Fumio Kishida nói với Ủy ban quốc hội Nhật Bản hồi đầu tháng này. Khách nước ngoài được mời đến các dịp kỷ niệm như sinh nhật của Thiên Hoàng đã để ý đến điều này khi mà các bữa tiệc đã sử dụng loại rượu sake hạng 2 và các loại đồ ăn nhẹ không đạt tiêu chuẩn.

Tôm tẩm bột - món ăn truyền thống Nhật Bản thường xuất hiện trong các bữa tiệc ngoại giao tại các đại sứ quán của nước này ở nước ngoài

Một nhà ngoại giao đã gửi một báo cáo phàn nàn về nhiệm vụ của mình ở Trung Đông, nơi ông làm việc, rằng đại sứ quán Nhật Bản đã không đủ khả năng phục vụ món tôm tẩm bột (đặc sản phổ biến của Nhật) theo đúng tiêu chuẩn, khiến khách quan cảm thấy không hài lòng.

Ngược lại, các đại sứ quán Trung Quốc đã thể hiện tầm vóc bằng những bữa tiệc xa hoa hơn bao giờ hết. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản than thở về “khoảng cách về lực” giữa hai nước, đang bị trói vào nhau bởi tranh chấp lãnh thổ căng thẳng trên biển Hoa Đông.

Một nhà ngoại giao khác cho biết, một đại sứ quán Nhật Bản ở một nước châu Phi “nằm trong một tòa nhà có nhiều người thuê. Không có máy phát điện riêng trong tòa nhà để phòng khi mất điện – điều xảy ra thường xuyên ở đây”. Trong khi đó, cũng tại quốc gia này, “Trung Quốc có một cơ sở đẹp… Và sau vài năm tôi tới đó, một tòa nhà mới đã được xây dựng”, vị quan chức này nói thêm.

Một quan chức của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền nói rằng đôi khi thực phẩm không phải là vấn đề quan trọng. “Có một số trường hợp, bữa ăn được sắp xếp nghèo nàn cho một buổi tiếp tân không có nhiều ý nghĩa”, ông này nói.

Một số quan chức cấp cao trong chính phủ Nhật Bản cũng đã lên tiếng bác bỏ những khiếu nại này của các đại sứ ngoại giao, “Chất lượng của thức ăn hoặc rượu không quyết định chất lượng về ngoại giao”, vị quan chức đã bày tỏ quan điểm với Jiji Press.

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 và đã bắt tay vào một cuộc tấn công ngoại giao “quyến rũ” ở nhiều nơi trên thế giới trong một động thái thúc đẩy sự mở cửa thị trường cho hàng hóa của mình.

Sự hiện diện của Nhật Bản trên trường quốc tế đã giảm bớt đáng kể từ sau thập kỷ thành công những năm 1980 bằng nền kinh tế bong bóng của nó, khi chính phủ giàu tiền mặt đã chi tiêu rất nhiều cho việc thúc đẩy ra nước ngoài.

Mặc dù tinh giản biên chế, Nhật Bản vẫn là một trong các nhà tài trợ lớn nhất thế giới về viện trợ phát triển ở nước ngoài và tự hào có một danh tiếng tích cực trong cộng đồng quốc tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại