Ngoại giao Nga-Mỹ 2014: "Tái thiết quan hệ là điều không thể"

Đức Huy |

Tổng hợp lại những diễn biến chính xoay quanh quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ đầy rẫy những căng thẳng trong năm 2014.

Dù bất đồng quan điểm trong cách tiếp cận nhiều sự việc, truyền thông Nga-Mỹ đều khẳng định mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã có những chiều hướng xấu đi thấy rõ trong vài năm trở lại đây.

Căng thẳng được đẩy lên đỉnh điểm trong năm 2013, sau khi Nga cấp giấy phép cư trú cho cựu tình báo NSA Edward Snowden, người trước đó bị các công tố viên Mỹ cáo buộc đã ăn cắp tài liệu mật và tiết lộ bí mật quốc gia.

Bước vào năm 2014, chính quyền hai nhà lãnh đạo Obama và Putin phải đối mặt với nhiều thử thách trong việc hàn gắn mối quan hệ và tránh khỏi nguy cơ tái hiện Chiến tranh Lạnh, một kết cục bất lợi cho cả hai nước nói riêng cũng như cộng đồng quốc tế nói chung.

Nhưng khi chỉ còn hơn một tuần nữa là thế giới bước sang năm 2015, mối quan hệ này không những chưa được cải thiện, mà theo như nhận xét của nhiều chuyên gia, đã rạn nứt ở mức nghiêm trọng nhất kể từ thời kì Chiến tranh Lạnh.

"Tái thiết quan hệ Nga-Mỹ vào thời điểm này là điều không thể", Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev nhận xét một cách thẳng thắn trên trang RT (Nga) hồi tháng 10.

Vậy điều gì đã đẩy mối quan hệ Nga-Mỹ đến tình cảnh "vô phương cứu chữa" này? Dưới đây là tổng hợp những sự kiện chính trong năm 2014 có ảnh hưởng trực tiếp đến điện Kremlin và Nhà Trắng.

Tổng thống Obama "tẩy chay" Thế vận hội mùa đông ở Nga

Năm 2014 đã khởi đầu không thể tệ hơn cho mối quan hệ Nga-Mỹ, khi mà một sự kiện thể thao tưởng như vô hại cũng bị hai nước biến thành vấn đề chính trị.

Sau khi Quốc hội Nga chính thức thông qua đạo luật cấm lưu hành các ấn phẩm truyền thông ủng hộ quan hệ đồng tính, tờ Washington Post (Mỹ) dẫn lời Tổng thống Obama nói rằng đây là một quyết định "vi phạm quyền cơ bản của con người".

Để đáp trả, Obama đã cử ba vận động viên đồng tính làm đại diện cho đội tuyển Mỹ trong lễ rước đuốc khai mạc Thế vận hội mùa đông Sochi 2014.

Billie Jean King (trái), huyền thoại quần vợt Mỹ và là một người đồng tính công khai, được Tổng thống Obama cử làm đại diện đoàn thể thao Mỹ tại Thế vận hội Sochi 2014. Ảnh: AP
Billie Jean King (trái), huyền thoại quần vợt Mỹ và là một người đồng tính công khai, được Tổng thống Obama cử làm đại diện đoàn thể thao Mỹ tại Thế vận hội Sochi 2014. Ảnh: AP

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cùng một số nhà lãnh đạo phương Tây khác như Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande, hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đã không xuất hiện tại sự kiện thể thao này để bày tỏ sự phản đối.

Sáp nhập Crimea

Trong lúc chính phủ Ukraine sụp đổ và Tổng thống Viktor Yanukovich phải sống lưu vong, Nga đã tiến hành sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước này sau một cuộc trưng cầu dân ý, trước sự phản đối kịch liệt của Mỹ và phương Tây.

Ngày 17/3, theo thông tin từ BBC, Quốc hội bán đảo Crimea chính thức tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và đăng kí sáp nhập vào Liên bang Nga, trong sự đón nhận của Tổng thống Putin.

Tổng thống Putin kí sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga Ảnh: Reuters
Tổng thống Putin kí sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga Ảnh: Reuters

Crimea, "ngôi nhà" của hạm đội Biển Đen, từ lâu đã được công chúng Nga mặc định coi là một phần của nước này. Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây khẳng định quyết định sáp nhập này là vi phạm luật pháp quốc tế.

Quan hệ Nga-Mỹ, sau sự kiện này, trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Mọi kì vọng về một sự "tái thiết" (reset) mối quan hệ giữa hai nước, hướng đi được cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khởi xướng năm 2009, đã tan thành mây khói.

Căng thẳng miền đông Ukraine

Tiếp nối vụ Crimea, không ngày nào các bản tin thời sự trên khắp thế giới không đưa tin liên quan đến Ukraine, "điểm nóng" trong mối quan hệ Nga-Mỹ trong suốt năm 2014.

Hồi tháng 4, lực lượng ly khai đã tiến hành chiếm đóng một số khu vực tại miền đông Ukraine, trong đó có hai thành phố Donetsk và Luhansk (sau này gọi chung là Donbass), đồng thời công khai giao tranh với quân đội chính phủ nước này.

Ukraine, điểm nóng thời sự thế giới trong suốt năm 2014 Ảnh: AFP

Ukraine, "điểm nóng" của thời sự thế giới trong suốt năm 2014 Ảnh: AFP

Căng thẳng leo thang vào đầu tháng 8, khi tổng thống Putin ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào miền đông lãnh thổ Ukraine, với mục đích, theo phát biểu của ông với RT, là "bảo vệ quyền lợi của người dân Nga ở đây".

Tuy nhiên, phía Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) kịch liệt phản đối nước đi này của Moscow, và lên án đây là những hành động can thiệp gây bất ổn đến trật tự chính trị tại một đất nước Ukraine độc lập.

Không ai chịu "nhịn" ai, hai phe Nga-Mỹ liên tục có những màn "đấu đá", Sau khi cáo buộc Nga hỗ trợ quân sự cho lực lượng ly khai, Mỹ mới đây đã thông qua dự luật cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội chính phủ Ukraine.

Các lệnh trừng phạt từ Mỹ và những pha phản đòn của Nga

Nếu như căng thẳng tại Ukraine khiến Moscow và Washington ngày càng rạn nứt, thì theo các chuyên gia, những lệnh trừng phạt dồn dập từ phía Mỹ cùng EU đã đưa mối quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ tiến gần đến ngưỡng "vô phương cứu chữa".

Sau khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước mình hồi tháng 3, Mỹ đã lập tức ban bố lệnh trừng phạt đầu tiên. Theo đó, chính trị gia Nga và Crimea sẽ không được cấp thị thực tại Mỹ dưới mọi hình thức.

Các đồng minh của Mỹ như EU, Nhật Bản, và Canada cũng lập tức áp dụng lệnh trừng phạt này.

Tiếp theo, đến tháng 4, Mỹ mở rộng quy mô lệnh trừng phạt. Theo dự luật được Thượng viện thông qua ngày 28/4, Mỹ cấm hoàn toàn mọi hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ nước này đối với 7 quan chức cấp cao cùng 17 công ty của Nga.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt bút kí thông qua dự luật trừng phạt Nga Ảnh: Nhà Trắng
Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt bút kí thông qua dự luật trừng phạt Nga Ảnh: Nhà Trắng

Trước những can thiệp quân sự của Nga tại Donbass, Mỹ ban bố lệnh trừng phạt thứ ba, lần này đánh vào các tập đoàn dầu khí và các ngân hàng lớn của nước này. Theo đó, Rosneft, Novatek, Gazprombank và Vneshecombank bị cấm hoạt động tại Mỹ.

Những lệnh trừng phạt này đã giáng một đòn mạnh lên nền một kinh tế Nga vốn đã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Tổng thống Putin, với những phát biểu của ông trong Thông điệp Liên bang và cuộc họp báo với hơn 1200 phóng viên mới đây, vẫn tỏ ra lạc quan.

Ông chủ điện Kremlin tự tin nền kinh tế Nga sẽ vượt qua thời kì khó khăn hiện nay. Phía Nga cũng đáp trả lại những lệnh trừng phạt của phương Tây với việc cấm nhập khẩu các loại đồ ăn và nông sản có nguồn gốc từ Mỹ và một số nước EU.

Với chính sách "cứng rắn" với Mỹ và phương Tây của Nga, nhiều khả năng các lệnh trừng phạt sẽ còn tiếp diễn. Mới đây nhất, tuy chưa chính thức ban hành, nhưng ông Obama đã thông qua một lệnh trừng phạt tiếp theo đánh vào nền kinh tế Nga đang suy yếu.

Tổng kết và hướng tới 2015

5 lần gặp mặt trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo cùng hàng chục cuộc điện thoại từ Nhà Trắng đến Kremlin và ngược lại.

17 lần gặp mặt song phương giữa hai Ngoại trưởng, mỗi cuộc họp kéo dài hàng giờ.

Không thiếu những cuộc trao đổi, nhưng mối quan hệ Nga-Mỹ vẫn đi vào vào ngõ cụt. Theo các nhà phân tích, hiện nay hai nước đã quá mất lòng tin vào nhau, khiến mọi động thái tích cực từ một phía, nếu có, cũng sẽ bị phía còn lại hồ nghi.

Cùng với đó, vị thế cường quốc cũng khiến Nga và Mỹ không cam chịu bỏ "cái tôi" của mình để đạt được lợi ích chung cho cả hai nước.

Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev (phải) cùng cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, những người đã góp phần chấm dứt hơn 3 thập kỉ Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và phương Tây Ảnh: Google Images
Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev (phải) cùng cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, những người đã góp phần chấm dứt hơn 3 thập kỉ Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và phương Tây Ảnh: Google Images

"Để mối quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng như hiện nay là hết sức nguy hiểm. Ít nhất phải có một bên chịu 'xuống nước' và vượt qua được rào cản 'bị mất mặt' để đạt được lợi ích chung. Hai bên phải học cách quên đi quá khứ và nghĩ đến tương lai".

Đó là trích đoạn phát biểu của cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, người hai thập kỉ trước đã có công chấm dứt Chiến tranh Lạnh, trong bài phân tích mang tựa đề "Tan băng quan hệ Nga-Mỹ" được đăng trên tờ Rossiyskaya Gazeta hôm 11/12 vừa qua.

Lý thuyết là vậy, nhưng liệu băng có tan được hay không lại là chuyện khác.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại