Căng thẳng nhất là chuyện nước ngọt phục vụ cho nông nghiệp và Nga phải "thay trời làm mưa" cứu Crimea.
Về việc cung cấp nhu yếu phẩm, Nga có thể dùng đường vận chuyển hàng không và phà chuyển hàng qua kênh Kerch. Nhưng cung cấp nguồn nước là chuyện nan giải vì khối lượng nước cần cho nông nghiệp cực lớn trong tình hình khô hạn có thể đe dọa đến mùa màng.
RIA cho biết trong sáu tháng qua, kênh Bắc Crimea đã dần cạn kiệt nước vì Ukraine cắt nguồn. Vì vậy, lúa mì không trồng được ở một phần bán đảo. Các đoàn tàu chở hàng đến từ Ukraine rất thưa thớt. Bù lại, các chuyến bay từ Nga đã tăng gấp 8 lần và hàng dài xe vận chuyển tấp nập trên phà qua eo Kerch.
Các nhà chức trách Crimea nói rằng Kiev đã thắt chặt nguồn nước đẩy nền nông nghiệp của Crimea đến tình trạng nguy khốn. Để đối phó với tình trạng hạn hán, họ có thể sẽ sử dụng công nghệ hiện đại tạo mưa nhân tạo trên lãnh thổ nhằm đối phó với tình hình đang ngày càng tồi tệ.
"Chúng tôi có một số kế hoạch để có thể tạo ra lượng mưa nhất địnhtrên khu vực" người đứng đầu chính quyền Crimea, Sergey Aksyonov cho biết. Ông Aksynov cũng nói thêm rằng chính phủ Nga đã hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc nghiên cứu tạo mưa nhân tạo
Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Crimea Nikolay Polyushkin cho biết rằng các cuộc thử nghiệm đầu tiên làm mưa nhân tạo có thể được tiến hành vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Ông cũng nhấn mạnh rằng hoạt động này đã tỏ ra khá hiệu quả trong thời kỳ Xô viết.
Phương pháp phổ biến nhất trong việc làm mưa nhân tạo là phun các hạt bạc iodide vào những đám mây không mưa. Hạt bạc iodide rất nhỏ có khả năng hấp thụ và ngưng tụ nước. Khi giọt đủ lớn, nó bắt đầu rơi thành mưa. Ở Nga, việc làm mưa nhân tạo cũng được dùng chủ yếu để điều chỉnh thời tiết vào các ngày lễ. Trong cái khó, phải ló cái khôn.