"Nga không đời nào 'đạp lên' lợi ích của Ả Rập để bắt tay Iran"

Ngọc Minh |

Những bất đồng sâu sắc về Syria và quan hệ đồng minh với Iran không thể cản trở Nga lạnh nhạt với 'đối thủ" của cả 2 quốc gia Trung Đông này - Ả Rập Xê-Út.

Người đứng sau chính sách "hướng Nga" của Ả Rập Xê-Út

Một năm sau khi Quốc vương Ả Rập Xê-Út Salman lên nắm quyền, chính sách đối ngoại của nước này đã mạnh mẽ hơn: tham gia vào cuộc chiến ở Yemen, phá vỡ quan hệ ngoại giao với Iran, ủng hộ tích cực các nhóm đối lập người Sunni ở Syria để lật đổ Bashar al-Assad.

Moscow luôn cứng rắn phản đối cách tiếp cận này bởi niềm tin rằng, Assad cần phải là một phần trong "giải pháp chính trị" của cuộc khủng hoảng ở Syria.

Giới chuyên gia Nga cho rằng, Hoàng tử Muhammad bin Salman chính là người đứng đằng sau những sáng kiến ngoại giao của vua cha. Theo các quy định của Ả Rập, Hoàng tử Muhammad còn rất trẻ - mới 30 tuổi - nhưng nắm trong tay quyền lực lớn.

Ông này được chỉ định làm Bộ trưởng Quốc phòng, cũng là người đứng đầu Toà án Hoàng gia và Hội đồng các Vấn đề Kinh tế. Rất nhiều nhà phân tích tin rằng, Hoàng tử Muhammad sẽ kế nhiệm cha.

Giáo sư người Nga Gregory Kosach, nhà phân tích về Ả Rập đã miêu tả Muhammad là "cá tính mạnh mẽ nhất" ở Ả Rập hiện nay.

Ông này cho rằng, có thể thấy rõ vai trò chủ chốt của vị hoàng tử này trong cách mà Ả Rập, dưới thời vua Salman, thay đổi những "nguyên tắc cứng nhắc của mình" trong các chính sách.

Kosach nhấn mạnh, Muhammad đặc biệt quan tâm tới Nga - ông ta đã gặp Tổng thống Putin 2 lần, một ở St Peterburg và lần khác ở Sochi.


Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Xê-Út trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin

Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Xê-Út trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin

Bất đồng ở Syria đẩy Nga - Ả Rập xích lại gần nhau

Trong cuộc gặp ở Sochi, Hoàng tử Muhammad đã cảnh báo Putin về "những hậu quả nguy hiểm" do chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria gây ra. Trước đó, Bộ Ngoại giao Ả Rập cũng chỉ trích chiến dịch này và kêu gọi Moscow dừng ngay các cuộc không kích của mình.

Một vài tháng sau đó, quan điểm của cả 2 quốc gia này vẫn không hề thay đổi. Ả Rập Xê-út vẫn kiên quyết yêu cầu Assad từ chức, hoặc sẽ buộc ông ta làm việc này, còn Nga vẫn tin rằng chế độ hiện tại ở Syria phải là một phần của giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở đây.

Chuyên gia về Ả Rập tại Uỷ ban Ngoại giao Nga, ông Alexander Aksenenok cho rằng, cách tiếp cận của Riyadh đối với vấn đề Syria là không hiệu quả.

"Việc dùng vũ lực lật đổ Assad, như cách mà Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê-Út cố gắng thực hiện, sẽ chỉ gây ra hỗn loạn - giống như những gì xảy ra tại Iraq".

Dù giữa Nga và Ả Rập có nhiều bất đồng trong cách giải quyết khủng hoảng ở Syria, song ông Kosach cho rằng, điều đó không cản trở đối thoại song phương.

Ngược lại, theo ông, nó còn thúc đẩy hai bên tìm kiếm cách phương án "được lòng" được cả hai. "Sự kiên định của Nga đã khiến Ả Rập ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Syria".

Tuy nhiên, ông Kosach cảnh báo, việc này không có nghĩa là Ả Rập Xê-Út đã từ bỏ kế hoạch lật đổ Assad mà mình đã đề ra từ đầu.

Nga sẽ không vì Iran mà "quay lưng" với Ả Rập?

Ngoài cuộc khủng hoảng ở Syria, Ả Rập còn rất lo ngại về sự hợp tác giữa Nga với Iran.

Ông Aksenenok cho rằng, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ, Ả Rập Xê-Út đã rất lo ngại về tương lai ngày càng mạnh mẽ của quốc gia theo dòng Shitte - đối tượng mà Ả Rập vẫn đang tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông.

Ả Rập Xê-Út thừa nhận, quan hệ giữa Nga với Iran là quan hệ đối tác chiến lược và vì vậy, họ không thể tin tưởng Nga.

Aksenenok cho rằng, những nghi ngờ của Ả Rập là có cơ sở, song Nga cũng không thể xem như một đồng minh của Iran trên "mọi mặt trận".

Chuyên gia về Ả Rập
Alexander Aksenenok
Dù quan hệ giữa Nga và Iran có đặc biệt cỡ nào, thì 2 quốc gia này cũng có những khác biệt, và mối quan hệ với Iran không thể được xây dựng mà gây phương hại tới lợi ích an ninh của Ả Rập Xê-Út.

Các chuyên gia Nga tin rằng, bất chấp những bất đồng, Nga và Ả Rập vẫn có thể hợp tác một cách hoà thuận với nhau.

"Cuối năm ngoái, Moscow đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Nga - Ả Rập. Đối thoại được duy trì thông qua Hội đồng hợp tác Nga - vùng Vịnh mà Ả Rập Xê-Út đóng vai trò chủ chốt", chuyên gia Kosach nhận định.

Ông này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là các thoả thuận hợp tác mới đây giữa Nga, Ả Rập Xê-Út, Qatar và Venezuela nhằm "đóng băng" sản lượng dầu mỏ năm 2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại