Nghe 4 chữ này của lãnh đạo TQ, hãy nhớ họ làm gì ở Gạc Ma 1988!

Kiều Tỉnh |

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Nhưng tham vọng và dã tâm của Bắc Kinh đối với láng giềng ở Biển Đông, không phải đến lúc đó mới hình thành.

LTS: Để hiểu rõ về chiến lược đối với Biển Đông đã được nuôi dưỡng trong bộ máy lãnh đạo Trung Quốc qua nhiều thời kỳ lịch sử, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả loạt bài phân tích để chứng minh dã tâm "xưng bá" của Bắc Kinh chưa bao giờ nguội lạnh.

---

Tham vọng từ lịch sử

Các vương triều phong kiến Trung Quốc trước đây luôn ôm ấp giấc mộng thống trị thế giới, nên không ngừng mở rộng bờ cõi ra các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam.

Vào cuối đời nhà Thanh (1616-1911), Trung Quốc bắt đầu suy vong cả về kinh tế và nảy sinh nhiều mâu thuẫn xã hội.

Tuy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc năm 1894 vẫn còn chiếm 17.6% GDP thế giới, nhưng xã hội rệu rã, nên Hạm đội Bắc Dương của Thanh triều được coi là “con sư tử Châu Á” đã bị Hải quân Nhật Bản đánh cho đại bại trong hải chiến Giáp Ngọ 1894.

Bắc Kinh sau đó buộc phải ký Hiệp ước Mã Quan (Shimonoseki) tháng 4/1895 cắt đảo Đài Loan và toàn bộ các đảo phụ cận cho Nhật Bản, trong đó có Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Kể từ đó, Trung Quốc suy vong và trở thành “người khổng lồ bệnh hoạn Đông Á” luôn bị các cường quốc Phương Tây xâu xé.

Mặc dù những tham vọng bành trướng xuống phía nam vẫn còn, nhưng lực bất tòng tâm, nên vấn đề Biển Đông tạm thời lắng xuống.

Trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, người Nhật và người Mỹ trở thành "bá chủ" ở Biển Đông và Thái Bình Dương.

Sau khi Nhật Bản bị đánh bại trong Thế chiến II thì mâu thuẫn trong nước Trung Quốc nổi lên.

Cuộc nội chiến giữa đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Quốc Dân đảng (QDĐ) diễn ra gay go, nên cả hai đều tạm gác lại tham vọng đánh chiếm Biển Đông để đối phó với nhau.

Những tranh chấp về Biển Đông với các nước láng giềng trong thời kỳ này vì thế ít xảy ra.


Tranh vẽ của Nhật Bản về đại hải chiến Giáp Ngọ 1894. (Nguồn: voc.com.vn)

Tranh vẽ của Nhật Bản về đại hải chiến Giáp Ngọ 1894. (Nguồn: voc.com.vn)

"Nước Trung Quốc mới" vẫn không từ bỏ dã tâm biển Đông

1. Chờ thời thực hiện tham vọng

Năm 1949, QDĐ bị ĐCSTQ đánh bại, Tưởng Giới Thạch phải chạy ra đảo Đài Loan. Sau đó, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập ngày 1/10/1949.

Thời kỳ mới thành lập, Trung Quốc còn yếu ớt, hơn nữa lại bị Mỹ và Phương Tây cấm vận. Bởi vậy, kinh tế rất khó khăn, trình độ quân sự yếu kém, nhất là về Hải quân và Không quân thua xa Mỹ và các nước Phương Tây.

Hơn nữa khi đó Trung Quốc xác định kẻ thù chủ yếu là Mỹ, chính vì vậy mà tham vọng lãnh thổ, nhất là xuống Biển Đông tạm gác lại để chờ thời thực hiện.

Năm 1958, Trung Quốc ra “Tuyên bố về lãnh hải” đưa ra khái niệm "biển nội địa" nhưng không hề đề cập tới khu vực Biển Đông và các đảo, bãi ở Biển Đông.

Bởi vậy, khái niệm cái gọi là “đường chín đoạn” (hay “đường lưỡi bò”) thì Trung Quốc không hề nhắc tới.

2. Nhân tố Mỹ trong tham vọng của Bắc Kinh về lãnh thổ và Biển Đông

Kể từ thập niên 1960, quan hệ Trung Quốc với Liên Xô bắt đầu rạn nứt, vấn đề lợi ích chính trị khiến Bắc Kinh và Mỹ xích lại gần nhau và cả hai đều lợi dụng mối quan hệ với Việt Nam để thực hiện lợi ích chiến lược của mình.

Bởi vậy, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972, hai bên đã thỏa thuận với nhau trên lưng Việt Nam.

Trung Quốc giúp Mỹ thoát khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam trong danh dự, còn Washington ủng hộ Trung Quốc vào Liên Hợp Quốc và bật đèn xanh cho Bắc Kinh đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1/1974.

Ngày 15/12/2012, Tuần báo Luận văn của Trung Quốc cho biết, ngày 11/1/1974 Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố về chủ quyền đối với Hoàng Sa và đích thân Mao Trạch Đông chỉ đạo cuộc tấn công xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam.

Mao Trạch Đông đổi trắng thay đen khi nói: “Xem ra nếu không đánh một trận thì không thể bảo vệ chủ quyền biển của Trung Quốc”.

Chu Ân Lai khi đó là Thủ tướng đích thân truyền đạt chỉ thị này của Mao cho các cán bộ lãnh đạo cấp cao, đồng thời thành lập “Ban chỉ đạo đánh chiếm Hoàng Sa” gồm 6 người là Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Trần Tích Liên, Tô Chấn Vũ.

Buổi sáng ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã dấy binh đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.


Một tàu chiến Trung Quốc tham gia cuộc xâm lược đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. (Ảnh tư liệu)

Một tàu chiến Trung Quốc tham gia cuộc xâm lược đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. (Ảnh tư liệu)

Tạp chí “Cùng trên chiếc thuyền” số 11 năm 2015 đăng bài của hai tác giả Tiết Lý Thái và Hà Quốc Trung thuộc Trung tâm hợp tác và an ninh quốc tế Đại học Stanford (Mỹ) và Trung tâm nghiên cứu an ninh doanh nghiệp Trung Quốc thuộc Đại học giao thông Bắc Kinh, viết:

“Nếu Trung Quốc khi đó không chớp thời có được Mỹ bật đèn xanh đánh chiếm Hoàng Sa tháng 1/1974 thì tới nay địa vị của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ ra sao? Liệu Trung Quốc có được lợi thế như ngày nay hay không?

Bởi lẽ, sau đó các chính khách và các nhà quyết sách Mỹ đã phê phán gay gắt về sự nhượng bộ này của Mỹ cho Trung Quốc. Cuộc chiến này đã đặt cơ sở cho Trung Quốc lấn xuống Biển Đông được như ngày nay”.

Dư luận cho rằng tình hình nội bộ Trung Quốc giai đoạn 1974 rối ren, mâu thuẫn nội bộ gay gắt, Mao Trạch Đông ra sức thanh trừng những người chống đối, kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng do cuộc Đại cách mạng văn hóa, nhưng không hề làm giảm sút tham vọng về Biển Đông của lãnh đạo Trung Quốc.

Bởi vậy khi được Mỹ bật đèn xanh, Trung Quốc mới có thời cơ đánh chiếm Hoàng Sa. Mỹ khi đó là một nhân tố quan trọng giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng của mình.

Kể từ năm 1978 khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu thực hiện quốc sách cải cách mở cửa thì thực lực kinh tế cũng như quân sự Trung Quốc tăng lên, nên cho dù đuối lý, nhưng tham vọng về Biển Đông vẫn luôn ấp ủ và chờ đợi thời cơ tiếp tục lấn chiếm.

Sau 8 năm tiến hành cải cách mở cửa, thực lực kinh tế đất nước và quốc phòng tăng lên, môi trường quốc tế đã có, đây là thời cơ để Trung Quốc tiếp tục lấn xuống Trường Sa.

Tuần báo Luận văn cũng viết, cuộc xâm lược Hoàng Sa chỉ là bước mở đầu và năm 1988, với sự kiện hải chiến Trường Sa và quân đội Trung Quốc đánh cướp đá Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3, mới là cái mốc quan trọng trong dã tâm của Bắc Kinh nhằm mở rộng xuống Biển Đông.


Tàu HQ604 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc xâm lược bắn chìm ngày 14/3/1988. (Ảnh tư liệu)

Tàu HQ604 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc xâm lược bắn chìm ngày 14/3/1988. (Ảnh tư liệu)

4 chữ lãnh đạo Trung Quốc nào cũng nói

Sự kiện Trung Quốc đánh cướp đá Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3/1988 đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh các nước ASEAN về dã tâm và tham vọng của Trung Quốc.

Bởi vậy, Tổng thống Philippines Corazon Aquino phải gấp rút thực hiện chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4/1988.

Để trấn an dư luận, trong buổi tiếp bà Aquino tại Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình nói: “Xuất phát từ tình hữu nghị giữa hai nước, vấn đề này (căng thẳng Biển Đông-PV) hãy tạm gác lại, chúng ta cùng nhau khai thác”.

Sau đó, Đặng đã giải thích phát biểu của mình trong nội bộ giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng: "Chủ quyền [Biển Đông] vẫn thuộc về ta.

Về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, trong điều kiện chưa giải quyết được triệt để, trước tiên có thể hãy không nên nói về chủ quyền thuộc về ai. Điều đó không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền mà chỉ tạm gác lại tranh chấp."

Nhưng tới năm 1995 và tiếp đó năm 2012, Trung Quốc đã gạt bỏ “tình hữu nghị” để lấn xuống bãi Vành Khăn của Việt Nam và bãi cạn Scarborough.

Sau khi lên nắm quyền từ 1989, lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân ban đầu tiếp tục rao giảng chính sách “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác” để thực hiện hòa dịu với ASEAN.

Nhưng sau đó không lâu, Giang và cả người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào sau này đều lớn tiếng về cái gọi là “đường chín đoạn".

Báo chí Hồng Kông ngày 24/5/2015 viết, trên thực tế Trung Quốc đuối lý trong vấn đề Biển Đông.

Năm 1986 Trung Quốc công bố “Luật ngư nghiệp”, tiếp đó năm 1998 công bố “Luật Vùng đặc quyền khai thác kinh tế và thềm lục địa” đều không thể chỉ rõ phạm vi Vùng đặc quyền khai thác kinh tế ở Biển Đông, càng không tuyên bố về biên giới ở Biển Đông.

Năm 2012 khi Trung Quốc thành lập trái phép cái gọi là "thành phố Tam Sa” có trụ sở hành chính trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh đã giao cho nó "trách nhiệm quản lý hành chính khu vực Biển Đông", nhưng cũng không công bố cụ thể giới hạn như thế nào.


Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (trái) tiếp Tổng thống Philippines Corazon Aquino sáng 16/4/1988 tại Bắc Kinh. (Ảnh: Chinanews)

Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (trái) tiếp Tổng thống Philippines Corazon Aquino sáng 16/4/1988 tại Bắc Kinh. (Ảnh: Chinanews)

Rốt cuộc cái gọi là “đường chín đoạn” là như thế nào? Khái niệm này hoàn toàn phi lý, mơ hồ và bản thân Trung Quốc cũng không thể lý giải nổi.

Trên thực tế, chính lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ không có nước nào kể cả Trung Quốc hoàn toàn có chủ quyền đối với toàn bộ cái gọi là “đường chín đoạn” mơ hồ này.

Về “khái niệm” Trung Quốc cũng đuối lý. Bắc Kinh tự nhận có chủ quyền đối với “đường lưỡi bò”, nghĩa là vùng Biển này là “biển nội địa” của Trung Quốc chứ không còn là vùng biển quốc tế (open sea).

Nhưng trên thực tế nhiều nước trong khu vực đang cùng khai thác và quản lý các vùng biển này. Tàu chiến Mỹ và tàu chiến các nước khác trên thế giới vẫn thường xuyên đi lại, tập trận trên Biển Đông mà không cần thông báo hoặc xin phép Trung Quốc.

Thậm chí tàu chiến Trung Quốc khi đi tuần tiễu bảo vệ cái gọi là “biển nội địa” khi gặp tàu chiến Mỹ đi tuần tra bảo vệ Philippines, thì lập tức ngừng lại giữ cự ly để tránh xung đột.

Thời gian qua các tàu chiến Mỹ như tàu USS Cowpens luôn giám sát tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông, hay tàu USS Blue Ridge (LCC-19) ngày 5/5/2014 đi vào vùng biển này gặp tàu chiến Trung Quốc, tàu chiến Trung Quốc đã chủ động dừng lại để tránh xảy ra xung đột.

Điều này, lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ là do tính pháp lý không phù hợp, nên các nước vẫn tự do đi lại.

Đặng Tiểu Bình đưa ra cái gọi là “chủ quyền của ta, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, bản thân chủ trương này chứng tỏ Trung Quốc không có chủ quyền.

Ngày 30/7/2013, phát biểu về tình hình Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Chủ quyền là thuộc chúng ta, có thể gác lại tranh chấp để cùng nhau khai thác.”

Nhưng các nước ASEAN đã có bài học về 4 chữ hoa mỹ "gác lại tranh chấp” của Bắc Kinh, nên họ luôn cảnh giác với phát biểu dạng này của lãnh đạo Trung Quốc, bởi lẽ Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính Biển Đông.

---

** Từ tháng 1/1974 tới tháng 3/1988, Trung Quốc đã có bước tiến dài trong việc thực hiện tham vọng của mình từ đánh chiếm Hoàng Sa tới đánh chiếm Gạc Ma, để từ đó tiếp tục lấn sâu xuống phía nam. Dã tâm bá quyền của Trung Quốc khiến thế giới và khu vực không thể không lo ngại về một câu hỏi: Liệu có thể xảy ra một trận Gạc Ma thứ hai? Còn tiếp....

TÁC GIẢ KIỀU TỈNH
Tác giả từng theo học tại Học viện Ngoại thương Bắc Kinh trong thập niên 1960, sau đó công tác tại TTXVN từ năm 1983 tới năm 2006. Ông là Trưởng Phân xã TTXVN tại Bắc Kinh từ 1984–1991, Trưởng Phân xã TTXVN tại Hồng Kông từ 1996-2001 và 2004–2006.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại