Nga đang tranh thủ 'vắt sữa' người lộ tin mật?

Sau khi Edward Snowden không có mặt trên chuyến bay từ Moscow sang Cuba theo lịch trình, câu hỏi đặt ra là “người lộ tin mật” đã làm gì trong đêm thứ hai (24/6) tại Moscow? Phải chăng Nga cũng đang tranh thủ khai thác thông tin từ Snowden?

Theo hãng tin AFP ngày 25/6, Snowden vẫn đang trú ngụ tại sân bay Sheremetyevo ở thủ đô Moscow. Hãng thông tấn Nga Interfax, nổi tiếng vì luôn có các nguồn tin an ninh, xác nhận rằng Snowden không có mặt trên chuyến bay số hiệu SU150 sang Cuba, đồng thời dẫn một nguồn tin nói rằng nhân vật này có thể đã rời khỏi Nga.

Nga đang tranh thủ 'vắt sữa' người lộ tin mật?
Các phóng viên Nga chờ đợi trong vô vọng tại sân bay Sheremetyevo ngày 23/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho tới cuối ngày 24/6 (giờ địa phương) vẫn tin rằng Snowden đang ở Moscow, và các quan chức hàng đầu của Mỹ, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Moscow Michael McFaul và các lãnh đạo cao cấp của Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) đang phải “điên đầu” tìm cách bắt cho bằng được “người lộ tin mật”.

Thượng nghị sỹ Mỹ Bill Nelson nhận định: “Thực tế là Snowden đang ở Moscow và không lên chuyến bay sang Cuba cho thấy rằng cựu quan chức KGB, giờ đây là Tổng thống Nga, ông Putin đang chỉ đạo màn trình diễn”.

Ông Nelson cũng nói rằng ông mường tượng ra cảnh Tổng thống Vladimir Putin đang ra lệnh “vắt sữa” Snowden để có thể lấy được “từng giọt thông tin” mà anh ta đang có. Cũng theo ông Nelson, nếu Snowden không có thông tin gì, khi đó Tổng thống Nga sẽ quyết định xem có cần phải giữ mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ hay không, và nếu cần thì sẽ dẫn độ cựu nhân viên CIA về Mỹ.

Mỹ bất lực trong trò chơi đuổi bắt Các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu tại Mỹ cho rằng việc Mỹ lớn tiếng đe dọa Trung Quốc và Nga sẽ phải “gánh chịu hậu quả” nếu để Snowden trốn thoát có lẽ chỉ là những lời “rỗng tuếch” trong bối cảnh Washington đang lực bất tòng tâm trong trò chơi đuổi bắt này.

Trên thực tế, Washington chẳng thể làm được gì nhiều trong việc ép buộc Moscow dẫn độ Snowden, hay thuyết phục Ecuador và Venezuela từ chối cho Snowden tị nạn. Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, ông Michael O'Hanlon nhận định: “Tôi nghi ngờ về khả năng Mỹ có thể ép buộc Nga và Ecuador hay Venezuela. Mỹ không có lợi ích nào trong việc triển khai hành động trả đũa mạnh mẽ”.

Ông Michael O'Hanlon cũng cho rằng ông không tin là sự việc sẽ trở thành một vụ tiết lộ bí mật an ninh lớn hay một cuộc khủng hoảng, và ông cũng không cho rằng Trung Quốc cùng với Nga đã có hành động bất thường vượt ra ngoài nghi thức ngoại giao thông thường.

Theo nhận định của AFP, với các thách thức quốc tế lớn như cuộc khủng hoảng tại Syria và chương trình hạt nhân của Iran vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu thì Mỹ có lẽ sẽ không muốn vụ Snowden trở thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao toàn diện.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại