Nga bị trừng phạt, ông Putin được tín nhiệm cao kỷ lục

An Nhiên |

Sau khi nước Nga hứng thêm đòn trừng phạt của phương Tây, tỷ lệ tín nhiệm ông Putin đạt mức cao kỷ lục so với các tháng trước đó.

TTXVN dẫn kết quả cuộc khảo sát của Trung tâm Levada tiến hành từ ngày 19-22/6 với 1.600 người tại 134 điểm dân cư thuộc 46 khu vực của nước Nga cho biết, tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng Sáu này đã đạt mức cao kỷ lục là 89%, trong khi 64% số người được hỏi cho rằng nước Nga đang đi đúng hướng.

Theo khảo sát, đa số người được hỏi cho biết họ đồng tình với hoạt động của ông Putin trên cương vị tổng thống.

Trước đó, tỷ lệ ủng hộ ông Putin hồi tháng 1 năm nay và tháng 3 vừa qua là 85%, còn trong các tháng 2, 4 và 5 vừa qua, với tỷ lệ là 86%.

Trong danh sách các chính trị gia được người dân Nga tin cậy nhất, ông Putin đứng ở vị trí đầu tiên khi nhận được sự ủng hộ của 64% số người được hỏi.

Ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng tín nhiệm này là Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, với 28%; trong khi Thủ tướng Dmitry Medvedev và Ngoại trưởng Sergei Lavrov cùng đứng ở vị trí thứ ba với 21% số người ủng hộ.

Kết quả thăm dò trên được đưa ra trong bối cảnh Hội đồng châu Âu vừa quyết định kéo dài hiệu lực các biện pháp trừng phạt kinh tế áp dụng đối với Nga từ ngày 1/8/2014 thêm 6 tháng, đến ngày 31/1/2016.

Đáp trả lại, ngày 24/6, Tổng thống Putin thông báo đã ký sắc lệnh gia hạn thêm một năm "các biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt từ phương Tây", trong đó có việc cấm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).

Ông Putin cũng tin tưởng rằng biện pháp đáp trả này sẽ là định hướng tốt cho các nhà sản xuất nông nghiệp trong nước của Nga.

Tháng 8 năm ngoái, người đứng đầu nước Nga đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng nông sản, nguyên liệu và lương thực thực phẩm có xuất xứ từ những quốc gia đã áp đặt trừng phạt kinh tế chống lại các cá nhân và thể nhân của Nga, hoặc những quốc gia đã ủng hộ quyết định trừng phạt này.

Trên cơ sở sắc lệnh trên, Nga đã ngừng nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, phômai, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả từ các nước EU, Australia, Canada, Mỹ và Na Uy.

Sau hơn 1 năm EU và Nga trừng phạt, trả đũa lẫn nhau, nền kinh tế hai bên đều bị thiệt hại. Cuối tháng 4/2015, Tổng thống Putin cho biết, nước Nga thiệt hại 160 tỷ USD vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, ông Putin khẳng định: "Rõ ràng, ai đó đã tính tới một sự đổ vỡ nào đó nhưng chẳng có sự đổ vỡ nào xảy ra. Kinh tế Nga đã vượt qua tương đối dễ dàng các rào cản này".

Còn Thủ tướng Nga Medvedev đã chân thành "cảm ơn chính phủ các nước đã thông qua những biện pháp trừng phạt" bởi đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây chính là động lực để Moscow "xoay trục" sang châu Á.

"Xét về phương diện kinh tế, mọi biện pháp cấm vận chống lại chúng tôi đã thúc đẩy chúng tôi tăng cường hợp tác một cách chủ động hơn với châu Á", Thủ tướng Nga nói.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo (WIFO) tính toán, các biện pháp trừng phạt Nga khiến châu Âu thiệt hại 100 tỷ euro (113 tỷ USD) và mất hơn 2 triệu việc làm.

Theo chuyên gia của WIFO, nếu tình hình không thay đổi một cách căn bản, sẽ có một kịch bản bi thảm hơn đối với kinh tế châu Âu.

Điều đáng nói, EU phải đương đầu với chính sự phản đối của nông dân các nước thành viên khi nông sản của họ trồng ra trở nên thừa thãi vì đòn trả đũa của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại