Hậu quả của cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine vẫn đang tăng lên từng ngày bất chấp lệnh ngừng bắn Minsk 2.
Tính đến giờ, nó đã cướp đi sinh mạng của 6.300 người, làm bị thương 15.500 người và khiến cho 1,7 triệu người mất nhà cửa.
Nền kinh tế Ukraine ngày càng kiệt quệ. Sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh. Giá trị đồng hryvnia “rơi tự do”.
Những hậu quả mà Ukraine sẽ phải gánh chịu chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó bởi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn.
Các “tác nhân bên ngoài” vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ dừng can thiệp.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hứa hẹn sẽ viện trợ hàng tỷ USD, triển khai binh sĩ đến huấn luyện cho các lực lượng vũ trang và viện trợ trang thiết bị phi sát thương cho Ukraine cũng như tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Đông Âu.
Trong khi đó, theo TNI, Nga tiếp tục có những hành động mạnh mẽ để đối đầu với Mỹ và phương Tây trong cuộc khủng hoảng trên.
Nguyên nhân của những hành động can thiệp nước ngoài trên trong cuộc khủng hoảng Ukraine được thúc đẩy bởi những lợi ích địa chính trị.
Đối với Nga, Ukraine là một quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng, ngăn cách Nga với sự bành trường của NATO; Hạm đội Biển đen, cho phép Nga triển khai sức mạnh ở Địa Trung Hải hiện đang đóng ở thành phố Sevastopol của Crimea; các đường ống dẫn khí đốt của Ukraine đóng vai trò quan trọng đối với ngành xuất khẩu năng lượng, một trọng tâm kinh tế của Nga.
Đối với châu Âu và Mỹ, một Ukraine ủng hộ phương Tây sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiềm chế Nga, trở thành công cụ gây áp lực đối với Moscow; việc chính phủ Kiev chiến thắng quân ly khai mà phương Tây cáo buộc do Nga hậu thuẫn sẽ ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với phương Tây.
Cả hai bên, Nga và phương Tây đều có lợi ích địa chính trị rất quan trọng ở Ukraine.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc xung đột sẽ không có ý nghĩa sống còn đối với Nga hay với phương Tây, và do đó, hai bên đều đưa ra giới hạn về cái giá mà họ sẵn sàng trả ở Ukraine.
Các binh sĩ Ukraine tập trận tại một ngôi làng ở miền Đông Ukraine.
Mặc dù các bên có thể sẵn sàng đổ vũ khí, trang thiết bị và hỗ trợ tài chính vào cuộc xung đột Ukraine nhưng họ sẽ không bao giờ nghĩ đến phương án phát động chiến tranh vì Luhansk hay Donetsk.
Tuy nhiên, căng thẳng tăng cao sẽ kéo theo nhiều lo ngại. Trong những bình luận gần đây, cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cho rằng, căng thẳng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến “nóng” lớn hơn giữa Mỹ và Nga.
Ông nói: "Đáng tiếc tôi không thể nói chắc chắn về việc một cuộc chiến tranh “lạnh” có dẫn đến một cuộc chiến tranh “nóng” hay không. Tôi sợ, có nguy cơ dẫn đến điều đó”.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng lo ngại tương tự. Phát biểu trong một buổi điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện gần đây, ông Kissinger bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ Mỹ sẽ bị vướng vào một cuộc chạy đua quân sự ở Ukraine mà không biết sẽ đưa Washington đến đâu và làm thế nào để duy trì cuộc đua đó.
Bình luận của cả ông Gorbachev và ông Kissinger đều phản ánh thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược trong cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga ở Ukraine.
Hai bên có lợi ích xung đột đối với kết quả của cuộc chiến ở Ukraine, nhưng họ có lợi ích chung trong việc tránh một cuộc đối đầu trực tiếp.
Mặc dù vì những lợi ích của mình, Nga và phương Tây bắt buộc phải can thiệp, nhưng họ cũng đồng thời phải tự kiềm chế.
Các thành viên lực lượng vũ trang Ukraine tại làng Avdiivka, miền Đông hôm 19/6/2015.
Ví dụ, Mỹ đã cung cấp cho Kiev hơn 100 triệu USD dưới dạng các trang thiết bị phi sát thương, bao gồm xe bọc thép Humvees, máy bay không người lái không vũ trang và các hệ thống radar chống đạn pháo, cũng như triển khai hàng trăm nhân viên quân sự đào tạo cho các lực lượng vũ trang Ukraine.
Tuy nhiên, cho đến giờ, Tổng thống Mỹ Obama vẫn quyết định không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine bất chấp những áp lực nội bộ cũng như yêu cầu từ phía Kiev.
Sở dĩ, ông Obama quyết định như vậy vì lo ngại rằng việc chuyển vũ khí sát thương cho Kiev sẽ gây thêm căng thẳng với Nga và leo thang xung đột ở miền Đông Ukraine.
Tín hiệu cho thấy Mỹ đang thận trọng là tự kiềm chế bằng vũ khí “phi sát thương” thay vì “sát thương”, triển khai “nhân viên quân sự” thay vì “binh sĩ chiến đấu” tới Kiev.
Tương tự như vậy, phía Nga cũng liên tục có những lời kêu gọi đàm phán để phương Tây có cơ hội “xuống nước” ở Ukraine.
Đối với phương Tây và Nga, việc “không thua” trong cuộc đối đầu ở Ukraine dường như quan trọng hơn là “chiến thẳng”. Không bên nào sẵn sàng trả giá cho chiến thắng và cũng không bên nào sẵn sàng thừa nhận thất bại.
Từ đó, dẫn đến việc tình hình ở Ukraine sẽ khó được giải quyết bởi khi “các tác nhân bên ngoài” vẫn tiếp tục tiếp tay cho cuộc xung đột thì cả chính phủ và ly khai đều sẽ không đàm phán để chấm dứt các cuộc đối đầu vũ trang.
Tuy nhiên, cũng chính vì sự tiếp tay đó mà không bên nào giành được lợi thế quân sự mang tính quyết định để có thể giành chiến thắng trong cuộc nội chiến.
Kết quả, cuộc xung đột này sẽ chẳng có hy vọng kết thúc với việc hai bên thỏa hiệp hoặc một trong hai bên giành chiến thắng.
Điều này có nghĩa là, cuộc xung đột Ukraine có kết thúc được hay không lại phải nhờ vào một thỏa thuận giữa “các tác nhân bên ngoài”.
Một thỏa thuận như vậy sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp từ cả hai bên, bao gồm việc thừa nhận Ukraine không phải là một “vệ tinh” của Nga và cũng không nằm dưới sự bảo hộ của phương Tây.
Nó cũng đòi hỏi một cam kết chấm dứt tình trạng khiêu khích quân sự trên khắp Đông Âu và chấm dứt luồng viện trợ quân sự cho Ukraine.
Tóm lại, theo TNI, chỉ khi các cường quốc có liên quan trong cuộc xung đột Ukraine ngừng “đấu đá” ở Ukraine thì cuộc xung đột này mới có thể chấm dứt.
Nếu họ vẫn ở vị thế “tiến thoái lưỡng nan” thì Ukraine đừng hy vọng thoát được khủng hoảng.