Có quan điểm cho rằng, tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại mới chỉ là... mào đầu, giữa 2 quốc gia này vẫn còn những xung đột lớn hơn cần phải giải quyết.
Xung đột sẽ leo thang?
Diêm Học Thông - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế hiện đại, thuộc ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) - đã trả lời phỏng vấn của tờ Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản) về vấn đề này.
Theo ông Diêm, trước khi cuộc gặp chính thức giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama diễn ra vào ngày 1/9 tới, quy mô xung đột song phương - nếu có - cũng sẽ không quá lớn và mức độ không nghiêm trọng.
"Tuy nhiên, không loại trừ khả năng sau chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, những xích mích và xung đột lớn hơn sẽ xuất hiện.
Cũng có nghĩa là, những diến biến căng thẳng hơn có thể sẽ xảy ra vào tháng 10, 11, 12 năm nay."
Ông Diêm cho rằng, trong hơn 1 năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama sẽ vẫn sẽ duy trì xung đột Mỹ-Trung "ở mức có thể kiểm soát".
"Tổng thống Obama có thể sẽ không có thêm 'điều chỉnh mang tính căn bản' trong chính sách đối với Trung Quốc. Nhưng khi Mỹ có tân Tổng thống, quan hệ song phương có khả năng đối diện với một sự tuột dốc đáng kể."
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn APEC 2014 ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
Hiện tại, giữa Trung Quốc và Mỹ phát sinh xung đột trên rất nhiều lĩnh vực từ an ninh mạng, Hải quân, hải dương, tỷ lệ đồng NDT, đầu tư, vũ trụ, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và Iran...
Diêm Học Thông nhận xét: "Chính bởi có quá nhiều phương diện xung đột về lợi ích mà đến giai đoạn cuối năm nay, rất có thể Washington sẽ mở cuộc 'tấn công' nhằm vào Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực."
Có hay không Chiến tranh Lạnh 2.0?
Học giả Diêm chỉ ra, để mở màn Chiến tranh Lạnh, Trung-Mỹ buộc phải đáp ứng 3 điều kiện "cần và đủ".
Thứ nhất, song phương phải sở hữu vũ khí hạt nhân. "Điều kiện này đã được đáp ứng" - ông Diem cho biết.
Thứ hai, hai quốc gia phải tồn tại mâu thuẫn căn bản về ý thức hệ.
"Ngày nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều không đặt 'ý thức hệ' lên hàng đầu trong lợi ích cốt lõi của mỗi quốc gia. Vì vậy, khó có khả năng song phương 'trở mặt' với nhau chỉ vì vấn đề 'bất đồng giá trị quan'." - ông Diêm bình luận.
Thứ ba, Mỹ-Trung buộc phải "cách ly toàn diện" nếu muốn tái hiện Chiến tranh Lạnh.
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đứng đầu Khối phòng thủ Warsaw, trong khi Mỹ xây dựng Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) được thành lập, tạo thành các khối cách ly lẫn nhau.
Tuy nhiên, với hơn 1.400.000 lượt người trao đổi giữa song phương ngày nay, cùng với quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu mức độ cao, Mỹ và Trung Quốc dù muốn cũng không nước nào có đủ năng lực để mở màn Chiến tranh Lạnh với đối phương.
"Vì vậy, tôi cho rằng xung đột về chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington không thể diễn biến thành Chiến tranh Lạnh, bởi thiếu 2/3 điều kiện tiên quyết." - Diêm Học Thông kết luận.