Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
Hôm 24/6, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định, tổ chức này sẽ không bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang với Nga, nhưng phải chống lại “những hạnh động gây hấn” của Moscow tại Ukraine, AFP đưa tin.
Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO sẽ thông qua nhiều biện pháp, trong đó có kế hoạch tăng gấp hơn hai lần số binh sĩ lực lượng phản ứng nhanh của NATO.
Trong khi đó, ngày 23/6, Mỹ thông báo sẵn sàng triển khai trước vũ khí hạng nặng cho quân đội các nước đồng minh NATO ở khu vực Đông Âu.
NATO cho rằng, Moscow khá “mâu thuẫn” khi lên án những động thái khiêu khích kiểu Chiến tranh lạnh, trong khi lại nâng cấp lực lượng vũ trang của mình, bao gồm việc bổ sung hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong năm nay, theo AFP.
Phát biểu trong lễ khai mạc Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại trụ sở ở Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Chúng ta sẽ không bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng chúng ta phải giữ cho sự an toàn của đất nước chúng ta”.
“Việc mà Nga đã làm ở Ukraine không phải là phòng thủ. Việc sáp nhập (Crimea) đó là một hành động gây hấn”, AFP dẫn lời ông Jens Stoltenberg.
Ông Jens Stoltenberg đã làm giảm những lo sợ về khả năng quay trở lại những ngày tồi tệ nhất của cuộc Chiến tranh lạnh khi một mực khẳng định rằng, phản ứng của NATO là “tự vệ, tương xứng và phù hợp với tất cả các nghĩa vụ quốc tế của chúng ta”, theo AFP.
Xe tăng
... và binh sĩ Lực lượng phản ứng nhanh NATO trong cuộc tập trận tại thị trấn Zagan, huyện Zaganski, tỉnh Lubuskie miền tây nam Ba Lan hôm 18/6/2015
“Nga gửi thêm binh lính, lực lượng và tiếp tục viện trợ đến miền đông Ukraine. Không còn nghi ngờ gì nữa, Nga phải chịu trách nhiệm cho những hành động gây hấn ở châu Âu”, Tổng thư ký NATO tuyên bố.
“Nếu như 28 thành viên liên minh không phản ứng, lúc đó có thể dẫn đến lo ngại”, ông Jens Stoltenberg nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm rằng, NATO “sẽ tiếp tục đấu tranh cho mối quan hệ mang tính xây dựng hơn nữa với Liên bang Nga”.
Mỹ, Kiev và phương Tây liên tục cáo buộc Nga có liên quan đến cuộc xung đột kéo dài suốt 15 tháng qua tại Ukraine khiến 6.500 người thiệt mạng.
Trong khi đó, Moscow liên tục phủ nhận và cho đó là những lời buộc tội “vô căn cứ”.
Trong một diễn biến khác, ngày 22/6 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quyết định gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng nữa (đến ngày 31/01/2016).
Ngay lập tức, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã yêu cầu Phó thủ tướng Sergei Prikhodko đệ trình lên Tổng thống Vladimir Putin đề xuất kéo dài lệnh phản trừng phạt và mở rộng danh mục sản phẩm cấm nhập khẩu vào Liên bang Nga từ EU.
Ngày 24/6, Tổng thống Putin tuyên bố: “Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta sẽ kéo dài các biện pháp đáp trả thêm một năm, bắt đầu từ ngày hôm nay”.