Nếu Iraq xảy ra "thảm họa", Trung Quốc mới là nước khốn đốn

Hùng Anh |

(Soha.vn) - Mỹ có lý do để giúp Iraq giải quyết khủng hoảng ở nước mình. Song xét cho cùng, nếu tình hình trở nên căng thẳng hơn thì Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, sẽ chịụ trận.

Mỹ chưa chắc đã chịu nhiều tổn thất

Tàu sân bay USS George H.W. Bush và hai tàu hộ tống đã đi qua eo biển Hormuz và đang neo đậu trong Vịnh Ba Tư. Như lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn Đô đốc John Kirby, chiếc tàu sân bay mới nhất của Hải quân Mỹ hiện được đặt trong trạng thái "sẵn sàng nhận nhiệm vụ".

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cho biết, nước này đã thực hiện "một số bước đi ngay tức thì", bao gồm "tăng cường hỗ trợ giám sát trên không" và "đẩy mạnh các chuyến hàng viện trợ quân sự". Lực lượng đặc biệt của Mỹ cũng có thể tiến hành thu thập thông tin tình báo trên đất liền.

Mỹ có thể có lý do về địa chính trị để ra tay giúp ông Maliki. Nhưng Washington hầu như không nhận được chút lợi ích kinh tế nào trong việc này. Hiển nhiên, vấn đề nằm ở nguồn năng lượng.

Iraq là nước sản xuất dầu thô lớn thứ hai trong khối OPEC với sản lượng 3,4 triệu thùng/ngày trong tháng Năm. Cho đến nay, các cơ sở sản xuất và xuất khẩu dầu đã gần như tránh được thiệt hại trong các vụ lộn xộn gần đây tại nước này.

Giá dầu tăng trong tháng Sáu này nhưng không đột biến như nhiều người lo ngại, chủ yếu là do khoảng 90% lượng dầu của Iraq nằm ở phía Nam, cách xa vùng chiến sự, đa số phần còn lại thì thuộc khu vực của người Kurd, cũng không bị các chiến binh Sunni đụng tới. Một lý do nữa là bởi Iran, với phần đông là người Shiite, tiếp giáp các mỏ dầu phía Nam Iraq và ủng hộ ông Maliki, nhiều khả năng nhóm khủng bố ISIS sẽ không thể làm ngưng trệ hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu.

Mỹ đang tích cực giúp đỡ Iraq giải quyết khủng hoảng.

Mỹ đang tích cực giúp đỡ Iraq giải quyết khủng hoảng.

Tuy nhiên, đặt ra giả thiết rằng các lực lượng nổi dậy có thể tiến sâu về phía Nam đến cảng Basra ở Vịnh Ba Tư, nơi có một điểm dầu lớn, và ISIS muốn khuấy động thị trường năng lượng toàn cầu thay vì đóng vai một chính phủ mới. ExxonMobil sẽ mất mỏ dầu Tây Qurna, nhưng vẫn còn những thỏa thuận với chính phủ người Kurd ở phía Bắc. Occidental Petroleum sẽ buộc phải rời khỏi một mỏ dầu nhỏ ở miền Nam Iraq. Chevron có vẻ không bị ảnh hưởng bởi hoạt động chủ yếu trong khu vực người Kurd. Các công ty dịch vụ mỏ dầu như Schlumberger và Halliburton, chắc chắn sẽ mất chỗ làm ăn. Tuy nhiên, những công ty này của Mỹ có thể bù đắp cho thiệt hại ở miền nam Iraq bằng cách đẩy mạnh hợp tác kinh doanh với người Kurd đang giành quyền tự chủ.

Forbes nhận định, trong trường hợp xảy ra thảm họa ở Iraq, giá năng lượng ở Mỹ sẽ tăng vọt so với phần còn lại của thế giới, và như vậy không hề có lợi cho doanh nghiệp hay người tiêu dùng nước này. Tuy nhiên, trong tương quan so sánh, kinh tế Mỹ sẽ chiếm ưu thế hơn tất cả, hoặc gần như tất cả các nền kinh tế lớn khác.

Tại sao lại như vậy? Mỹ hiện nay là sản xuất dầu mỏ và khí tự nhiên lớn nhất hành tinh. Từ năm 2012, Mỹ đã vượt qua Nga để trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới về khí đốt tự nhiên và số 3 thế giới về dầu, chỉ sau Ảrập Xêut và Nga. Trong ngắn hạn - và có thể cả dài hạn - sản xuất hydrocarbon ở Mỹ chắc chắn sẽ tăng lên. Chính vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi nhập khẩu năng lượng của Mỹ đã giảm trong vòng năm năm trở lại đây, trong đó khí đốt tự nhiên giảm 32% và dầu giảm 15%. Khi đó, một cuộc khủng hoảng nếu nổ ra sẽ đưa Mỹ lên vị thế cao hơn trên thị trường dầu mỏ và khí đốt.

Trung Quốc mới là nước có nhiều chuyện phải lo

Trung Quốc thì ngược lại. Nước này sẽ gặp khó khăn hơn nhiều nếu sản lượng chiếm 3.7% toàn cầu của Iraq đột nhiên bị gián đoạn.

Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và hiện là khách hàng quốc tế lớn nhất của Iraq với trung bình 1,5 triệu thùng/ngày, tương đương gần một nửa sản lượng của Iraq. Sau cuộc chiến tại Iraq thập kỷ trước, tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã bất ngờ chuyển hướng sang dầu mỏ nước này bằng cách chấp nhận tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ và các điều kiện ngặt nghèo của Baghdad.

Trung Quốc đã tận dụng cơ hội Iraq tái thiết đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của mình. Trung Quốc đã phải đầu tư hàng tỷ USD vào Iraq, hàng trăm công nhân Trung Quốc sang làm việc ở quốc gia Trung Đông. Lợi ích kinh tế mà Trung Quốc gặt hái được tại Iraq khiến một số nhà bình luận, như Matt Schiavenza của tờ Atlantic, phải thốt lên rằng chính Trung Quốc mới là bên "giành phần thắng trong cuộc chiến ở Iraq" vì đã ký được nhiều hợp đồng dầu mỏ lớn.

Vào thời điểm đó, các nhà phân tích đưa ra giả thuyết rằng việc gia tăng lợi ích của Trung Quốc ở Iraq sẽ giúp tạo ra một tầm ảnh hưởng ổn định. "Về mặt địa chính trị, những lợi ích này giúp thắt chặt mối liên kết giữa Trung Quốc và Iraq", quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ David Goldwyn nói với tờ New York Times năm 2013.

Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ từ Iraq.
Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ từ Iraq.

Khi vai trò của Trung Quốc không ngừng mở rộng trên toàn cầu thì những cuộc khủng hoảng khu vực sẽ gây ra những tác động trực tiếp hơn đến lợi ích của Trung Quốc. Cuộc xung đột ở Iraq đặt ra thách thức không chỉ tới lợi ích dầu mỏ mà còn cả những chính sách ngoại giao nói chung của Bắc Kinh.

Bắc Kinh hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến tại Iraq khi ISIS đối đầu với các nhóm người Shiite ở Baghdad. Vì thế, theo Forbes, trong những ngày qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra nhiều tuyên bố ủng hộ chính phủ ông Maliki. Thứ Sáu tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh khẳng định: "Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã viện trợ cho Iraq dưới nhiều hình thức với khối lượng lớn và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ việc gì có thể."

Forbes cho rằng, có lẽ Mỹ nên đón nhận những tuyên bố của bà Oánh và cứ để Trung Quốc điều lực lượng hải quân vào điểm nóng. Xét cho cùng, Trung Quốc mới là nước có nhiều chuyện phải lo ở Iraq hơn Mỹ.

Xem thêm Video: Vụ trao đổi tù binh gây chấn động giữa Taliban và Mỹ 

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại