28 nước thành viên Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO vừa có cuộc họp tại xứ Wales. Một nội dung quan trọng là bàn về việc mở rộng khối với việc kết nạp thêm thành viên. NATO thể hiện rõ thái độ khác nhau với các nước là ứng cử viên gia nhập khối.
Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen, cho biết tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales vào ngày thứ Sáu (5.9): "Chúng tôi sẽ đánh giá (tư cách các ứng viên), chậm nhất là vào cuối năm 2015 cho dù đã mời Montenegro gia nhập liên minh".
Các quan chức NATO nói rằng Montenegro vẫn phải hoàn thành nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật quân sự trước khi vào NATO.
Hai quốc gia khác - Bosnia và Macedonia - có kế hoạch trở thành thành viên. Với Bosnia, một quan chức NATO cho biết là nước này đang bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng do những bất đồng giữa người Serbia và Bosnia nên cản trở việc họ gia nhập khối.
Còn Macedonia muốn gia nhập NATO thì cần phải được Hy Lạp chấp thuận vì Hy Lạp có quyền phủ quyết.
Quan chức NATO nói thêm rằng các cuộc đàm phán Hy Lạp-Macedonia "đã không diễn ra tốt đẹp" về vụ tranh chấp tên do Macedonia vì sử dụng tên giống như một tỉnh giáp biên giới Hy Lạp.
Gruzia đã gửi đơn xin tham gia. Nhưng ông Rasmussen lưu ý rằng bước tiếp theo của Gruzia là trở thành một phần của một "nhóm hợp tác tăng cường", cùng với Úc, Jordan, Moldova và Thụy Điển chứ chưa thể trở làm thành viên ngay lập tức.
Rasmussen phủ nhận việc Gruzia có tranh chấp biên giới với Nga khiến NATO ngại kết nạp Gruzia và dẫn chứng họ từng kết nạp Na Uy trong thời điểm Na Uy và Nga có tranh chấp lãnh thổ.
Nước được quan tâm nhất là Ukraine không được Rasmussen đề cập. Nhưng ông ám chỉ đến sự phản đối của Nga không ảnh hưởng đến chính sách mở rộng thành viên của NATO: "cửa NATO vẫn mở. Mỗi quốc gia (muốn làm thành viên NATO) sẽ tiếp tục được đánh giá dựa trên giá trị của họ và không một quốc gia thứ ba nào có quyền ngăn cản việc NATO mở rộng ".
Trong khi đó, giấc mơ NATO của Ukraine có vẻ còn rất xa vời
Ukraine cũng đang bày tỏ ý định gia nhập NATO. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với báo chí Đức rằng việc Ukraine gia nhập NATO vào thời điểm này là không thể nào xảy ra.
Người muốn vào thì không vào được còn người mà NATO muốn vào nhất lại chưa muốn vào. Đó là hai quốc gia Bắc Âu - Phần Lan và Thụy Điển.
Tại hội nghị thượng đỉnh, NATO đã ký thỏa thuận với Phần Lan và Thụy Điển cho phép quân đội NATO triển khai trên lãnh thổ của họ trong tương lai. Ông Ramussen còn nói: "Nếu Phần Lan và Thụy Điển muốn tham gia, họ có thể được duyệt thủ tục chỉ trong 1 tuần".