Mỹ - NATO khó lòng bảo vệ Ukraine

Một khi xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine, Mỹ và các đồng minh sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn.

Vào thời điểm này, nếu Nga có bất kỳ hành động nào chống lại một thành viên NATO thì chắc chắn sẽ kích hoạt xung đột. Tuy nhiên, Ukraine chưa phải là thành viên và cũng khó có khả năng gia nhập nhóm này trong thời gian tới.

Cùng lắm là trừng phạt!

Việc Ukraine tuyên bố nã pháo tiêu diệt một phần đoàn xe bọc thép của Nga xâm nhập lãnh thổ hôm 15-8 được xem là dấu hiệu căng thẳng cao độ giữa 2 nước. Dù thông tin này chưa được Liên Hiệp Quốc, Mỹ và các nước khác xác nhận nhưng Washington ngay lập tức kêu gọi Nga ngừng các hành động “khiêu khích và cực kỳ nguy hiểm”.

Trong cuộc điện đàm hôm 15-8, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng và ngăn chặn dòng chảy vũ khí cùng nhân viên vũ trang vào Ukraine.

Cùng ngày, ngoại trưởng các nước Liên hiệp châu Âu đe dọa chuẩn bị áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nếu Moscow tiếp tục hỗ trợ quân ly khai ở miền Đông Ukraine.

Năm tháng qua, Washington và các đồng minh đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt Moscow. Nhưng trên thực tế, Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu luôn muốn tránh né đối đầu trực diện với một cường quốc hạt nhân như Nga. Bằng chứng là giải pháp quân sự chưa bao giờ được NATO đem ra bàn thảo.

Phát biểu hôm 15-8, một số quan chức Mỹ cho biết nhiều hướng đi đã được thảo luận. Nếu Nga tiếp tục leo thang, nước này sẽ bị trừng phạt nặng hơn, bị cô lập nhiều hơn ở các diễn đàn quốc tế trong khi NATO đẩy mạnh hiện diện quân sự ở Đông Âu...

Theo Reuters, viện trợ không sát thương của Washington dành cho Kiev lâu nay có thể chuyển thành vũ khí sát thương, dù vậy cũng sẽ rất hạn chế, tối đa chỉ là những hệ thống vũ khí nhỏ lẻ như rốc-két chống tăng - đủ để kìm bước nhưng không thể chặn được đà tiến của Nga.

Ông Samuel Charap, chuyên gia về Nga và Á - Âu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS - Anh), cho biết: “Có thể sẽ có nhiều biện pháp trừng phạt Nga cũng như hỗ trợ Ukraine nhưng ngoài ra, tôi không nghĩ Mỹ sẽ dám mạnh tay hơn”.

Kiev “tưởng tượng”

Chính quyền Nga phủ nhận thông tin xe bọc thép nước này vượt biên và bị phía Ukraine tiêu diệt. Gọi báo cáo của Ukraine là “tưởng tượng”, Moscow nói đây chỉ là cách để Kiev thu hút sự quan tâm của NATO. Không lâu trước đó, NATO cho rằng Nga “đã xâm nhập lãnh thổ Ukraine” dù không gọi đó là một hành động xâm lược.

Đáp lại, Nga tố ngược Ukraine đang phá hoại việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến các khu vực miền Đông Ukraine. Về đoàn xe gây nhiều tranh cãi trên, hãng tin AP đưa tin hàng trăm chiếc vẫn xếp hàng gần biên giới Ukraine trong ngày 16-8.

Trước đó cùng ngày, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận về chuyển giao số hàng trên. Đại diện của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết danh sách chi tiết hàng hóa cứu trợ đã được giao cho các quan chức Ukraine. Những người này đã đến Nga để kiểm tra.

Trong cuộc điện đàm với người đứng đầu Lầu Năm Góc Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định trong đoàn xe viện trợ không có binh lính. Dự kiến ngày 17-8, tại thủ đô Berlin - Đức sẽ diễn ra cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkine và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để thảo luận những căng thẳng hiện nay tại khu vực miền Đông cũng như vấn đề cứu trợ nhân đạo.

Giữa lúc đoàn xe viện trợ vẫn “mắc kẹt” ở biên giới, “tình hình ở khu vực xung đột ngày càng căng thẳng hơn. Quân đội Ukraine chiến đấu chống lực lượng ly khai thân Nga có thể bị nã pháo từ lãnh thổ Nga” - người phát ngôn của quân đội Ukraine Andriy Lysenko nói.

Quân đội Ukraine tiếp tục bắn phá các TP Donetsk và Lugansk, điện nước và nguồn cung lương thực đều bị cắt. Theo mô tả của hãng Itar-Tass, đêm 15-8 không hề yên tĩnh cho cư dân ở 2 TP này với một loạt vụ nổ, nhà cửa bị phá hủy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại