Nguy cơ này dù không lớn như cuộc khủng hoảng năm 2011, tuy nhiên lúc này, giới lập pháp hai đảng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong cuộc mặc cả chính trị nhằm khai thông trần nợ kịp thời, cũng như giải quyết bài toán nợ công trong dài hạn.
Gánh nặng nợ công
Ngoại trừ khoảng thời gian ngắn ngủi một năm từ 1835-1836, nước Mỹ liên tục gánh nợ công kể từ khi hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chính thức có hiệu lực vào 4/3/1789. Một chính sách đối ngoại đầy tham vọng, với liên tiếp các cuộc chiến tranh và can thiệp quân sự hao người tốn của trong thập niên trước đã làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ của Mỹ.
Dưới thời Tổng thống Obama, các gói kích thích kinh tế thời hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu bao gồm giảm thuế, tăng chi tiêu đã giúp nền kinh tế nước này khởi sắc nhưng cũng làm quả bóng nợ công ngày càng phình to. Nợ liên bang của Mỹ đã vượt qua mức trần 16,7 ngàn tỉ USD vào giữa tháng 5 vừa qua, đồng nghĩa mỗi người dân Mỹ hiện đang phải gánh tới hơn 55.000 USD tiền nợ.
Đến giữa tháng 10/2013, ngân khố chính phủ Mỹ có thể chỉ còn chưa đầy 50 tỉ USD - số tiền chỉ đủ dùng trong vài ngày.
Theo phân loại của Bộ Tài chính Mỹ, nợ công hay nợ liên bang gồm hai thành phần: nợ do các cơ quan Chính phủ nắm giữ hiện ở mức 4,77 nghìn tỷ USD và nợ do công chúng nắm giữ đã lên tới 11,96 nghìn tỷ USD. Các chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tới 48% số nợ từ công chúng, trong đó Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất, với 1,315 ngàn tỉ USD, sau đó là Nhật với 1,111 ngàn tỉ USD.
Hiến pháp Mỹ quy định Quốc hội là cơ quan duy nhất được phép vay tiền trên danh nghĩa quốc gia. Từ khi nước Mỹ được sáng lập đến năm 1917, Quốc hội trực tiếp cho phép từng vụ vay nợ riêng lẻ. Tuy nhiên để tạo ra nguồn tài chính linh hoạt hơn khi tham gia cuộc Thế chiến thứ nhất, vào năm đó Quốc hội Mỹ ra đạo luật mới về quản lý nợ công, đặt ra giới hạn trần cho phép chính phủ có thể đi vay để trang trải thêm các chi tiêu trong kế hoạch ngân sách quốc gia.
Theo lý thuyết thì bằng cách thiết lập các giới hạn này, Quốc hội cho phép Bộ Tài chính vay nợ ở mức cần thiết, đồng thời nghị viện cũng có thể kiểm soát được hoạt động chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên trên thực tế, điều này không giúp ích được gì nhiều. Việc quyết định giới hạn trần nợ công mang tính chính trị nhiều hơn vì việc bỏ phiếu thường diễn ra sau khi các nhà lập pháp đã thông qua kế hoạch ngân sách với việc tăng chi tiêu và cắt giảm thuế (đồng nghĩa đương nhiên phải vay nợ!).
Từ năm 1962 đến nay Quốc hội Mỹ đã 75 lần điều chỉnh trần nợ công, trong đó có 11 lần chỉ từ năm 2001. Tới giữa tháng 5 năm nay, nợ công Mỹ đã vượt qua mức trần hiện tại là 16,7 ngàn tỉ USD, buộc Bộ Tài chính phải thực hiện một loạt “giải pháp đặc biệt” để tiếp tục chi trả toàn bộ các hóa đơn đầy đủ và đúng hạn.
Tuy nhiên, dự kiến đến giữa tháng 10 tới đây, ngân sách chính phủ sẽ cạn kiệt và nếu quốc hội không nâng trần nợ kịp thời, nguồn thu của Bộ này sẽ không đủ để trả cho mọi nghĩa vụ nợ của đất nước. Vỡ nợ, nếu xảy ra sẽ là một thảm họa thực sự không chỉ với nước Mỹ mà cả thế giới.
Tranh cãi “ObamaCare”
Hôm 20/9 vừa qua, Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã thông qua kế hoạch ngân sách tài khóa 2014 bắt đầu từ 1/10/2013, nhưng với điều kiện đi kèm là không cấp kinh phí cho chương trình cải tổ hệ thống chăm sóc y tế của Tổng thống, thường gọi là ObamaCare. Điều kiện kèm theo đó đồng nghĩa dự luật ngân sách sẽ không có cơ hội được thông qua tại Thượng viện do phe Dân chủ nắm đa số.
Luật cải cách y tế của chính quyền Obama quy định tất cả người Mỹ đều buộc phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014, nếu không sẽ bị phạt về kinh tế. Hiện tại nước Mỹ có khoảng 50 triệu người, chiếm 16% dân số, không có bảo hiểm y tế và chương trình ObamaCare được kỳ vọng sẽ giúp khoảng 32 triệu người trong số này được hưởng các dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm.
Ðể có tiền cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho tất cả mọi người, chính quyền Obama đề nghị tăng thuế 5% đối với thiểu số những người giàu có thu nhập từ hơn 1 triệu USD/năm. Tuy nhiên, tầng lớp người giàu và các nghị sỹ Cộng hòa đã kịch liệt phản đối đạo luật này vì cho rằng nó sẽ làm tăng khoảng 500 tỷ USD tiền thuế mỗi năm đối với người Mỹ.
Tổng thống Obama đã gọi điện cho Chủ tịch Hạ viện John Boehner (phải) tuyên bố không thương lượng về trần nợ công.
Mặc dù đã cận kề hạn chót 1/10, thời điểm bắt đầu năm tài khóa mới, ông Obama mới đây vẫn dứt khoát tuyên bố không thương lượng về trần nợ công, đồng thời cáo buộc đảng Cộng hòa dùng trần nợ để… “tống tiền” chính phủ. “Chưa bao giờ trong lịch sử Mỹ trần nợ công bị lợi dụng để tống tiền tổng thống và đảng cầm quyền. Tín dụng của nước Mỹ trở thành con tin để mặc cả, thương lượng. Đó là hành vi rất vô trách nhiệm”, nhà lãnh đạo Mỹ bức xúc.
Bài toán nan giải
Lịch sử nước Mỹ đã chứng kiến 6 lần chính phủ đóng cửa chỉ từ năm 1977-1980 và thêm 9 lần nữa trong giai đoạn 1980-1995 do ngân sách không được quốc hội thông qua kịp thời. Lần đóng cửa gần đây nhất kéo dài 21 ngày vào cuối năm 1995- đầu 1996 dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cũng do bất đồng xung quanh chương trình chăm sóc sức khỏe - Medicare.
Hai tuần trước hạn chót 1/10, các cơ quan chính phủ Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch khẩn cấp đề phòng trường hợp kịch bản xấu nhất khi hai phe Dân chủ và Cộng hòa không đạt được tiếng nói chung để thông qua kế hoạch ngân sách mới và quyết định nâng trần nợ. 800.000 nhân viên liên bang có thể tạm nghỉ việc, và hơn 2 triệu người, bao gồm cả quân đội thường trực, có thể sẽ không nhận lương đúng kỳ.
Các nhà lập pháp chắc chắn sẽ tìm mọi cách tránh để nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ, một thảm họa với uy tín kinh tế và chính trị của nước này, tuy nhiên, ngay cả khi trần nợ được nâng vào phút chót thì bài toán nan giải nợ công vẫn còn đó.
Để giảm gánh nặng nợ công, chính quyền Obama đã đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách tổng cộng 1.800 tỷ USD, thông qua giảm chi tiêu 930 tỷ USD, tăng thuế thu nhập khoảng 580 tỷ USD kết hợp với cắt giảm một số chương trình phúc lợi. Trong kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014 trị giá 3.770 tỷ USD được chính phủ trình lên quốc hội hồi tháng 4, Nhà Trắng lên kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách năm tài khóa tới xuống 744 tỷ USD, chiếm 4,4% GDP, so với mức 973 tỷ USD dự kiến trong năm 2013 và hơn 1.000 tỷ USD trong 4 năm liên tục trước đó.
Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn trong việc cắt giảm mạnh các chương trình xã hội cũng như tăng thuế vì tác động chính trị và xã hội mạnh mẽ của những biện pháp đó. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục, kinh tế Mỹ chưa thực sự thoát khỏi vòng suy thoái như hiện nay thì những biện pháp mà chính phủ đưa ra chủ yếu vẫn là những biện pháp tình thế và nước Mỹ cần nhiều hơn thế để có được lời giải triệt để cho bài toán nan giải này.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!