Mâu thuẫn Mỹ-Trung Quốc trên Biển Đông là không thể thỏa hiệp
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông trên bản đồ “đường lưỡi bò” họ đưa ra.
Cơ sở của cái “lưỡi bò” này là việc Trung Quốc cho rằng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) do Trung Quốc sở hữu, do đó, 200 hải lý bao quanh 2 quần đảo này là khu vực đặc quyền kinh tế, đặc quyền quân sự của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc vấp phải 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là về chủ quyền. Trung Quốc đã bất chấp UNCLOS mà chính họ là thành viên nên tính pháp lý của tuyên bố, của hành động, là phi pháp.
Thứ hai là Biển Đông có “tính quốc tế” vô cùng lớn. Biển Đông không phải là “đường sinh mạng” của Trung Quốc như chính họ đánh giá, mà là khu vực tạo nên “hành lang an ninh” của nhiều quốc gia châu Á - TBD.
Biển Đông lại là một khu vực địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế rất quan trọng mang tính toàn cầu. Do đó, xung đột lợi ích quốc gia với các cường quốc như Mỹ là không thể tránh khỏi.
Đối với Mỹ, khi Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông thì có 3 vấn đề trầm trọng về chiến lược sẽ phát sinh.
Một là: Mỹ bị Trung Quốc đánh bật ra khỏi Biển Đông không chỉ về quân sự mà lớn hơn là vai trò, ảnh hưởng đến khu vực địa chính trị quan trọng nhất của châu Á-TBD là khối Đông Nam Á cũng bị “bật bãi”. Lúc này, chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang châu Á-TBD bị phá sản.
Hai là: Lợi ích quốc gia của Mỹ trên Biển Đông là tự do hàng hải, hàng không, cũng như cam kết bảo vệ tự do hàng hải, hàng không của một cường quốc quân sự số 1 thế giới bị thách thức.
Có 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông…
Ngay với Australia, tưởng như “miễn nhiễm” với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng hơn 2/3 hàng hóa xuất khẩu và 1/2 lượng nhập khẩu cũng đều phải qua tuyến hàng hải Biển Đông…
Những số liệu lạnh lùng đó chứng tỏ an ninh hàng hải với Nhật Bản, Australia...trên Biển Đông là sự sống còn của nền kinh tế, do đó cũng là sự sống còn của an ninh quốc gia.
Ba là: Khi Mỹ không chấp nhận “chia đôi cai quản Thái Bình Dương” với Trung Quốc thì Biển Đông là tuyến xuất phát tấn công “chia đôi TBD” với Mỹ thuận lợi nhất.
Lúc này tuyến phòng thủ ngăn chặn Trung Quốc trên biển Hoa Đông của Mỹ-Nhật Bản về cơ bản không còn ý nghĩa khi Hawaii của Mỹ bị đe dọa trực tiếp từ phía Tây, có nghĩa là an ninh nước Mỹ ở phía Tây bị đe dọa.
Như vậy, đây là 3 vấn đề có tính chiến lược sống còn tại châu Á-TBD của Mỹ mà Biển Đông được coi như tâm điểm, là khu vực “quyết chiến chiến lược” giữa 2 thế lực do Mỹ đứng đầu và Trung Quốc.
Đương nhiên, Trung Quốc không bao giờ chấp nhận chiến lược thù địch của Mỹ đối với một cường quốc kinh tế và quân sự mà không cố gắng hành động để chống trả.
Chính vì thế, tính chất sự đối đầu Mỹ-Trung Quốc tại Biển Đông là không thể thỏa hiệp. Sự xuất hiện của Mỹ trên Biển Đông chính là nhu cầu tất yếu bởi chiến lược Mỹ về châu Á-TBD bị Trung Quốc thách thức, xâm hại.
Trên Biển Đông, Mỹ hay Trung Quốc, ai sẽ lùi?
Trong 3 lần (thế giới gọi là 3 lần khủng hoảng eo biển Đài Loan) hành động của Trung Quốc bị Hải quân Mỹ, với sức mạnh vượt trội, răn đe, can thiệp đều phải xuống thang, từ bỏ ý định.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng lần thứ 3 từ 7/1995 đến 11/3/1996. Trung Quốc tiến hành tập trận quanh đảo Đài Loan và phóng tên lửa bay qua hòn đảo này.
Lập tức Mỹ điều 2 nhóm tàu sân bay chiến đấu đi vào eo biển Đài Loan khiến Trung Quốc lùi bước, xuống thang để “tránh xung đột với Mỹ” và cũng trong năm đó, năm 1996, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS.
Hiện nay, liệu có xung đột quân sự của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông không?
Trước hết, Đài Loan chỉ có ý nghĩa về chính trị với Trung Quốc mà thôi trong khi Biển Đông nó gồm cả ý nghĩa quân sự và kinh tế. Biển Đông quan trọng hơn Đài Loan. Vì thế quyết tâm của Trung Quốc có thể cao hơn so với tình thế Đài Loan.
Các “hỏa lực mồm” từ Hoàn Cầu thời báo đã nổ ầm ầm, nhưng về khả năng, thực lực Hải quân Trung Quốc PLAN vẫn chưa đủ tuổi để đối đầu với Hải quân Mỹ.
Đánh giá của chuyên gia quân sự Nga trước đây giờ vẫn chưa thay đổi. Đó là muốn diệt một hạm đội sân bay Mỹ, PLAN phải mất 40% lực lượng. Với một giá đắt như vậy, giới quân sự Trung Quốc sẽ không mạo hiểm.
Không những thế, trên Biển Đông, Mỹ không chỉ có một mình, vừa có lợi thế địa lý khi các căn cứ quân sự tại Philippines, Singapore, Australia…vây quanh, còn Trung Quốc thì có gì?
Các đảo nhân tạo đang dở dang, hay kể cả dù đã hoàn thành thì không ai hiểu “tuổi thọ” của nó bằng Mỹ và…Việt Nam, người chủ thực sự của chúng về mặt pháp lý.
Điểm nóng của sự căng thẳng trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ việc tàu chiến, máy bay tuần tra của Mỹ bị Trung Quốc tố cáo là xâm nhập vào “không phận”, “lãnh hải” Trung Quốc trên các đảo đá Trung Quốc đang xây dựng trái phép.
Bản chất của sự đối đầu căng thẳng Trung-Mỹ là nếu Mỹ chấp nhận sự xua đuổi của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông như đường “lưỡi bò” đã vẽ.
Nếu Trung Quốc chiếm đoạt được Biển Đông, tuyên bố ADIZ, thì hậu quả với Mỹ như phân tích ở trên.
Mỹ không thể chấp nhận tình huống này nên bất chấp các cảnh báo của Trung Quốc điều lực lượng sang Biển Đông cùng với các đồng minh như Nhật Bản, Australia, Philippines hành động.
Nếu Trung Quốc không làm gì ngăn cản được các hành động tuần tra của Mỹ và liên minh thì tuyên bố về chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc là vô giá trị.
Nghĩa là Trung Quốc chỉ có các đảo đá xâm chiếm trái phép với vùng lãnh hải là 12 hải lý phi pháp là thứ mà Mỹ tôn trọng, còn đương nhiên, lúc đó, cái đường “lưỡi bò” sẽ trở nên vô nghĩa.
Đây cũng chính là “làn ranh đỏ” mà Mỹ vạch ra cho Trung Quốc là Trung Quốc phải tuân thủ UNCLOS mà chính Trung Quốc là thành viên.
Chúng ta chờ xem ai sẽ lùi trên Biển Đông.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Ngọc Thống.