Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột quân sự ở miền Đông Ukraine, có khoảng 1/3 số thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng nhằm củng cố tiềm lực quân sự.
Đây cũng là dấu hiệu chứng tỏ các nước đang cụ thể hóa cam kết về nỗ lực chặn đà suy giảm chi tiêu quân sự được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tháng 9/2014 ở xứ Wales (Vương quốc Anh).
Mặc dù vậy, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng, với mức tăng như hiện nay, châu Âu vẫn khó có thể đảm bảo mục tiêu ngân sách quốc phòng chiếm 2% GDP mà NATO đã ấn định.
So với mục tiêu này, ngân sách quốc phòng hiện nay của các thành viên NATO ở châu Âu vẫn còn thiếu khoảng 100 tỷ USD, một con số đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế khu vực chưa thực sự thoát ra khỏi suy thoái.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã tác động tiêu cực đến các chương trình mua sắm, hiện đại hóa quân đội ở nhiều nước châu Âu.
Xu hướng giảm ngân sách quốc phòng đã lên đến cao trào, buộc Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2014 phải gióng tiếng chuông cảnh báo bằng một cam kết chung.
Ngoài mục tiêu 2% GDP, các thành viên NATO cũng hứa sẽ dành ít nhất 20% ngân sách quốc phòng cho hoạt động mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự và nghiên cứu - phát triển (R&D).
Tuy nhiên, kết thúc năm 2014, điểm lại chỉ có 3 thành viên NATO ở châu Âu đảm bảo mục tiêu 2% GDP đó là: Vương quốc Anh, Estonia và Hy Lạp. Giới chức NATO cho rằng an ninh châu Âu cần phải được tăng cường nhằm đối phó với những gì từng xảy ra ở miền Đông Ukraine.
Suy cho cùng, nỗ lực nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và triển khai quân đến Đông Âu lại phụ thuộc nhiều vào ngân sách quốc phòng của cả liên minh.
Theo báo cáo Cán cân quân sự năm 2015 của IISS, trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2014, ngân sách quốc phòng tại các nước thành viên NATO ở châu Âu giảm trung bình 8%.
Để ngăn chặn đà sụt giảm, các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua hàng loạt những cam kết về ngân sách quốc phòng.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng NATO đang ráo riết cụ thể hóa những cam kết này, và môi trường địa chiến lược bước đầu đã ghi nhận sự thay đổi, đặc biệt là ở Đông Âu, Bắc Âu.
Các nước Đông Âu và vùng Baltic là những thành viên đầu tiên có phản ứng về ngân sách quốc phòng. Sau đó, các nước Tây Âu cũng bắt đầu công bố kế hoạch tăng chi tiêu quân sự để đối phó với thách thức an ninh mới nảy sinh.
Hầu hết các kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng ở châu Âu tập trung vào lục quân và các hoạt động mua sắm: xe quân sự chuyên dụng, máy bay vận tải, tên lửa, trang thiết bị tự động... để nâng cao khả năng cơ động, ứng phó nhanh với diễn biến tình hình.
Trên thực tế, châu Âu vẫn chưa thể yên tâm với tiềm lực quân sự hiện nay trong bối cảnh Mỹ triển khai chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương.
Kinh tế khó khăn cộng với những toan tính chính trị ở mỗi nước đang đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề ngân sách quốc phòng. Nếu tất cả các nước thành viên chạm mức mục tiêu 2% GDP, thì tổng ngân sách quốc phòng của NATO ở khu vực châu Âu sẽ là 365 tỷ USD.
Năm 2014, tổng ngân sách quốc phòng của các nước thành viên NATO ở châu Âu dừng lại ở con số 265 tỷ USD. Vấn đề đặt ra là làm thế nào có thể thu hẹp mức thâm hụt 100 tỷ USD trong ngắn hạn?
Cho đến thời điểm này, dường như đây vẫn là một bài toán chưa có lời giải.
Rõ ràng, môi trường an ninh ở châu Âu đang biến động nhanh chóng với sự xuất hiện của nhiều thách thức và nguy cơ, buộc các nước thành viên NATO phải tính đến hàng loạt giải pháp tăng cường sức mạnh quân sự mà trước tiên là câu chuyện ngân sách.
Đảm bảo mục tiêu ngân sách quốc phòng chiếm 2% GDP và có lựa chọn đúng đắn những lĩnh vực cần đầu tư mua sắm chắc chắn vẫn là đề tài "nóng" trên chính trường các nước châu Âu thời gian tới.