Mỹ và EU "cay cú" với Crimea nên ra đòn “trừng phạt tổng lực”?

Minh Thu |

Bộ Ngoại giao Nga hôm 20/12 cho hay lệnh trừng phạt mới áp đặt với Crimea là “hình phạt tổng lực” nhằm vào người dân đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý để bán đảo này sáp nhập vào Nga hồi tháng 3

Theo Reuters, trong tuần này, cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã phê chuẩn áp đặt thêm các lệnh trừng phạt khắt khe hơn trong lĩnh vực đầu tư tại Crimea nhằm vào các cá nhân, công ty khai thác dầu mỏ và khí đốt Biển Đen của Nga cũng như ngành du lịch.

Trước đó, kết quả cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại bán đảo Crimea hồi tháng Ba đã bị chính quyền Ukraine và các nước phương Tây phản đối khi coi đây là những lá phiếu không hợp lệ.

Tuy nhiên, 97% người dân sinh sống tại bán đảo Crimea thuộc Ukraine đã bỏ phiếu đồng thuận sáp nhập vào Liên bang Nga.

Sau đó, chính Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh để sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga.

“Việc áp dụng những lệnh trừng phạt đơn phương mới chống lại nước Cộng hòa Crimea và thành phố Sebastopol từ Mỹ và EU là bằng chứng trực tiếp cho thấy phương Tây thừa nhận quyết định của người dân Crimea sáp nhập vào Nga là mang hành động mang tính thống nhất và tự nguyện”, Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga.

“Đó là lý do tại sao họ chọn ‘hình phạt tổng lực’.

Điều đáng buồn là những quốc gia đưa ra lệnh trừng phạt lại tự coi đây là phương án ủng hộ nền dân chủ trong thế kỷ 21”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Ban đầu, các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga liên quan tới việc Moscow quyết định sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine.

Nhưng sau đó, họ tiếp tục cáo buộc Nga ủng hộ phe ly khai miền đông Ukraine tại Donetsk và Luhansk trong cuộc chiến chống lại quân chính phủ Kiev.

Hôm 18/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo ông không có ý định áp đặt thêm lệnh trừng phạt tăng cường với Moscow vào thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, hôm 19/12, Canada cho biết họ sẽ tăng cường lệnh trừng phạt với Nga.

Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nhấn mạnh các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng tới những nỗ lực chính trị nhằm giải quyết các cuộc giao tranh tại miền đông Ukraine.

Theo ông Lukashevich Crimea là “một khu vực ngay từ đầu đã là của Nga và không thể tách rời”.

“Chúng tôi khuyên Washington và Ottawa cân nhắc tới những hậu quả đi sau lệnh trừng phạt. Chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả”, ông Lukashevich nói.

Đáp trả lại hàng loạt lệnh trừng phạt, Nga cũng đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm đối với nhiều quốc gia phương Tây.

Chuyến hàng viện trợ thứ 10

Theo Sputink, hôm 20/12, Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga Vladimir Puchkov cho biết Moscow sẽ chuyển chuyến hàng cứu trợ nhân đạo thứ 10 kể từ hồi tháng Tám tới khu vực Donetsk và Luhansk thuộc miền đông Ukraine vào ngày 21/12.

“Chúng tôi đang hoàn tất khâu chuẩn bị cho phái đoàn cứu trợ lần thứ 10 và sáng mai (21/12) chúng tôi sẽ di chuyển tới Donbas”, theo ông Puchkov, đoàn cứu trợ sẽ chuyển thực phẩm, nguyên vật liệu xây dựng, thuốc men và nhiều mặt hàng thiết yếu khác tới các vùng đang chìm trong chiến sự tại miền đông Ukraine.

Chuyến hàng cứu trợ thứ 10 của Nga sẽ tới Donbas vào ngày 21/12.

Ông Puchkov chia sẻ Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga và các ban ngành cũng như chính quyền địa phương đang có những biện pháp hỗ trợ cho người dân buộc phải chạy trốn khỏi miền đông Ukraine.

Vùng Donbas đang phải hứng chịu thảm cảnh khủng hoảng nhân đạo trầm trọng kể từ khi quân chính phủ Kiev phát động cuộc chiến chống lại phe ly khai.

Tính tổng số, các đoàn cứu trợ của Nga đã chuyển hơn 12.000 tấn hàng hóa tới 2 khu vực là Donetsk và Luhansk.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại