FT cho rằng, trước đây, trong suốt quá trình đàm phán đằng đẵng giữa Hy Lạp với các chủ nợ, Washington dường như chỉ đứng ngoài cuộc và thỉnh thoảng phát đi cảnh báo về những hậu quả kinh tế có thể xảy ra nếu nước này vỡ nợ.
Tuy nhiên, khi Hy Lạp cận kề bờ vực vỡ nợ, Mỹ không còn đứng yên được nữa và bắt đầu lo sợ rằng Nga sẽ có thêm ảnh hưởng lớn với Hy Lạp, một thành viên của NATO, rồi từ đó dẫn tới nhiều hậu quả chính trị khác.
Tình hình ở Hy Lạp sẽ cho Nga cơ hội lớn để chia rẽ các đồng minh châu Âu của Mỹ khi Washington đang cố duy trì một mặt trận thống nhất ở châu Âu về các biện pháp trừng phạt đối với Moscow do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ông Sebastian Mallaby, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho hay: "Bạn có thể thấy rất dễ dàng rằng, đây là một món quà địa chính trị lớn đối với Nga”.
Ông cho rằng Moscow có thể lợi dụng Hy Lạp để tăng tình cảm chán ghét phương Tây và yêu mến Nga tại các quốc gia châu Âu khác.
Trước đây, Hy Lạp từng được coi là một chiến tuyến chống Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh.
Trong nhiều tháng qua, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã lặng lẽ thúc giục Đức và các thành viên EU tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp.
Mặc dù vấn đề tại Hy Lạp là về kinh tế nhưng các nhà ngoại giao cho rằng, những gì xảy ra tại Hy Lạp sẽ có ảnh hưởng lớn đến vị thế của EU trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.
Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng tại Athens hôm 21/6/2015.
Chuyến thăm của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đến Nga hồi cuối tuần qua được cho là một lời nhắc nhở với phương Tây và Mỹ về mối quan hệ chính trị giữa chính phủ Hy Lạp hiện tại và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nó cũng cho thấy Hy Lạp đang muốn tìm kiếm sự “cứu cánh” từ phía Moscow tại thời điểm mối quan hệ với các chủ nợ quốc tế đang ở mức vô cùng căng thẳng.
Chuyến đi của ông Tsipras cũng là tín hiệu về việc Moscow sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho Athens, mặc dù các nhà phân tích ở Washington cho rằng, Nga sẽ khó giúp được bởi vấn đề Hy Lạp gặp phải đang rất lớn.
Ông Thomas Wright tại Viện Brookings ở Washington nhận định: "Nga không có nhiều tiền để ném đi đến thế.
Nga không phải là một thị trường xuất khẩu có tiềm năng lớn và cũng không phải là một lựa chọn kinh tế mới cho Hy Lạp, ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra”.
Hy Lạp sẽ vỡ nợ nếu không trả nợ được cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào ngày 30/6/2015 tới.
Tuy nhiên, những lo ngại về bất ổn kinh tế kéo dài có thể làm sâu sắc thêm thái độ tức giận đối với châu Âu trong dân chúng Hy Lạp, mở cho Nga cơ hội thúc đẩy ảnh hưởng tại đất nước này.
Trong suốt cuộc khủng hoảng Ukraine, Moscow đã làm suy yếu sự ủng hộ của các nước EU về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, đồng thời thúc đẩy tâm lý chính trị ủng hộ Nga ở Hungary và khu vực Đông Nam châu Âu thông qua “quân bài” năng lượng.
Trong khi đó, chính quyền Obama vẫn luôn kêu gọi EU tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt Nga.
Khi được hỏi về tác động có thể xảy ra khi Hy Lạp vỡ nợ, ông John Kirby, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng: “Chúng tôi tin tưởng EU vẫn thống nhất chống lại Nga cũng như tin tưởng vào những việc họ đang làm”.
Ông này nói thêm: "Tôi nghĩ rằng, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua đã cho thấy EU đang rất đoàn kết về việc tiếp tục tiến hành các biện pháp trừng phạt Nga và khả năng sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt khác để cô lập Nga hơn nữa”.
Bà Julianne Smith, cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Mỹ Jose Biden cho rằng, tình hình Hy Lạp sẽ khiến Washington lo ngại hơn về hiệu quả hoạt động của EU, đặc biệt là tại thời điểm Anh cũng đang lên kế hoạch lấy ý kiến người dân về việc có nên rời khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay không.
Bà nói: “Washington đang lo lắng về việc cả Hy Lạp và Anh rời Eurozone. Chúng đều có tác động tiêu cực trong bối cảnh Mỹ đang cần châu Âu thể hiện được vị trí và vai trò của mình”.