Chinanews hôm 19/6 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg đã có những phát ngôn "bên lề lĩnh vực kinh tế" và thể hiện nhiều hơn lập trường ngoại giao.
Theo đó, ông Putin không đi sâu vào các vấn đề kinh tế, mà bất ngờ tỏ thái độ mềm mỏng hơn hẳn đối với phương Tây.
"Nga không theo đuổi địa vị bá chủ hay siêu cường thế giới, mà chỉ mong xây dựng quan hệ bình đẳng với Mỹ cùng các quốc gia Âu-Á..." - ông Putin khẳng định - "Nga từng nhiều lần đề nghị hợp tác, song vẫn bị dồn ép tới giới hạn không thể nhượng bộ."
Ngoài ra, Tổng thống Nga đặc biệt nhấn mạnh: "Trong bối cảnh NATO liên tục bành trướng, Nga và Trung Quốc sẽ không trở thành bất kỳ quan hệ đồng minh quân sự nào."
Nhà bình luận thời sự Trung Quốc Tăng Kim Nhuận cho rằng, cả bài phát biểu "rào trước đón sau" của ông Putin chỉ nhằm "làm đệm" cho tuyên bố "không liên minh với Trung Quốc" này.
Theo ông Tăng, xuất phát từ mâu thuẫn sâu sắc với Mỹ và châu Âu xoay quanh vấn đề khủng hoảng Ukraine, Moscow đã có nhiều động thái "hướng Đông" và nâng tầm quan hệ với Bắc Kinh lên mức "chưa từng có".
Kể từ khi Nga-Trung nhiều lần tỏ thái độ "tay bắt mặt mừng", truyền thông phương Tây đã liên tục cáo buộc 2 quốc gia này đang có ý đồ xây dựng một liên minh quân sự.
Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh luôn lên tiếng bác bỏ thông tin này bằng những tuyên bố ngoại giao thông thường. Chính vì vậy, một lời tái khẳng định có phần nhấn mạnh và cứng rắn của "người quyền lực nhất thế giới" không khỏi khiến truyền thông chú ý.
Tổng thống Putin phát biểu cho ai nghe?
Tăng Kim Nhuận bình luận trên trang quân sự của Sohu (Trung Quốc) nhận xét, về biểu hiện, "đối tượng" mà phát biểu của ông Putin nhằm vào nhiều khả năng là Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hiện tại, xung đột giữa Nga và các thành viên NATO về vấn đề Ukraine vẫn kéo dài không dứt, khiến căng thẳng Nga-NATO không ngừng leo thang.
Đối với vấn đề này, Moscow vốn luôn tỏ thái độ vô cùng cứng rắn và dường như hoàn toàn phớt lờ sự tồn tại của NATO.
Tuy nhiên, theo ông Tăng, Nga cũng đã nhận ra rằng ở một mức độ nào đó, sự cứng rắn của Điện Kremlin vô hình trung đã tạo điều kiện để NATO đoàn kết hơn và thậm chí lôi keo thêm một số quốc gia "tiềm năng", ví dụ như Thụy Điển.
Tình hình này có thể sẽ tạo thêm khó khăn cho nước Nga trong việc giải quyết vấn đề Ukraine.
"Vì vậy, tuyên bố 'Đồng minh Nga-Trung không tồn tại' của ông Putin nhiều khả năng nhằm loại trừ mối nguy cơ NATO sẽ trở nên đoàn kết và lớn mạnh hơn nữa" - Tăng Kim Nhuận đánh giá.
Học giả Trung Quốc nhận xét phát ngôn của Tổng thống Nga tại St. Petersburg là "ôn hòa và mềm mỏng", thậm chí có thái độ "nhượng bộ".
Một tuyên bố như vậy giúp Nga không bị mất đi bất kỳ lợi ích chiến lược nào, đồng thời có thể đạt được sự nới lỏng cấm vận từ Mỹ và đồng minh.
"Không chỉ vậy, sự điều chỉnh thái độ lần này của Tổng thống Putin không khiến Mỹ mất thể diện, mà ngược lại có thể giúp Washington hoàn thành chuyển biến chiến thuật 'chiến lược bao vây Trung Quốc' (ở châu Á-Thái Bình Dương)." - học giả Tăng cho biết.
"Đặc biệt, sự tái khẳng định 'không liên minh với Trung Quốc' tưởng như đơn giản, nhưng trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông leo thang, điều này có thể khiến Mỹ và đồng minh càng 'yên tâm' gia tăng quyết tâm cũng như áp lực để kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông".
Dù Nga đang có quan hệ "thăng hoa" với Trung Quốc, phương Tây và Moscow vẫn hy vọng giải quyết mâu thuẫn để "kéo" Nga về gần hơn.
Mới đây, sau nhiều lần Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ thái độ thiện chí muốn cùng Nga giải quyết tranh chấp lãnh thổ, thậm chí nỗ lực tìm cách mời ông Putin tới Hội nghị thượng đỉnh G7 2016 tại Nhật, Tổng thống Nga cũng đã đáp lời.
Tại St. Petersburg, Putin tuyên bố ông "cần phải tiến hành một cuộc gặp với ông Shinzo Abe" để thảo luận về tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập niên qua.
Dù báo chí Trung Quốc liên tục chế giễu những lời kêu gọi cũng như thái độ của Tokyo là "thừa thãi", "vô tác dụng" thì thái độ của chính ông Putin đã trở thành đòn đau đối với Bắc Kinh.
Tăng Kim Nhuận nhận định, khẳng định thẳng thừng vừa qua của Tổng thống Nga cho thấy dù xung đột Trung Quốc - Mỹ/đồng minh có trở nên căng thẳng hơn thì Moscow chắc chắn cũng sẽ giữ lập trường khách quan và đứng ngoài cuộc.
"Chỉ một câu nói của Putin là quá đủ để đánh đổi sự mềm dẻo từ phương Tây.
Mỹ và đồng minh chắc chắn sẽ không ngại nhượng bộ cho Nga những 'lợi ích quốc gia' quan trọng liên quan tới vấn đề Ukraine - vốn không thực sự giá trị với Mỹ."
Trong quá trình trỗi dậy thành cường quốc, quan hệ Nga-Trung có thể không đối địch, song phương cũng có thể xích lại gần nhau, song Bắc Kinh không nên "mơ hão" rằng một "vận mệnh đồng nhất" giữa 2 quốc gia này sẽ xuất hiện.
Trên thực tế, khi Nga khốn đốn giữa "vòng vây cấm vận" của phương Tây thì Bắc Kinh, bên cạnh những lời động viên "có cánh", đã không thể hiện một lập trường rõ ràng nào về vấn đề Ukraine, mà chỉ "kiên quyết ủng hộ các bên giải quyết vấn đề theo đường lối hòa bình".
"Trung Quốc không nên quá dựa dẫm vào Moscow. Mối quan hệ Nga-Trung nhiều nhất chỉ có thể xem như chiến lược lợi dụng-hỗ trợ lẫn nhau về địa chính trị nhằm đối phó với 'hệ thống bá quyền của Mỹ' mà thôi." - Tăng Kim Nhuận kết luận.