"Bắc Kinh đang làm trái 'di huấn' của Đặng Tiểu Bình"

Hải Võ |

Đó là nhận định của Hạ nghị sĩ Mỹ Matt Salmon khi đánh giá về việc Trung Quốc ngày càng bành trướng và "nhúng tay" vào nhiều sự vụ quốc tế hơn.

Trang Đa Chiều đưa tin, Ủy ban ngoại vụ Quốc hội Mỹ hôm 17/6 đã tổ chức phiên điều trần chủ đề "Trung Quốc trỗi dậy: Ảnh hưởng chiến lược của sự tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân sự".

Trong phiên điều trần, chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Matt Salmon nhận xét, các vấn đề của Mỹ có liên quan đến Trung Quốc hiện nay "là mối quan tâm chủ yếu của tất cả mọi người".

Hành vi ngang ngược và phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông ảnh hưởng ra sao đến viễn cảnh hòa bình-xung đột trong tương lai?

Washington phải làm thế nào để "ngăn chặn Trung Quốc tấn công an ninh mạng", đột nhập dữ liệu về kinh tế và an ninh quốc gia?

Các động thái của Trung Quốc thể hiện tầm vóc toàn cầu của nước này, hay chỉ là các vấn đề quốc nội thúc đẩy họ?

Hạ nghị sĩ Salmon cho biết, Trung Quốc đang đứng ở "ngã tư đường". Quá trình gia tăng ảnh hưởng quốc tế cũng như phát triển của họ đã khiến không ít đối tác và đồng minh xa lánh Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không thể từ bỏ hay phá hoại trật tự quốc tế hiện tại - vốn đang giúp họ đi lên.

"Kể từ khi cải cách mở cửa năm 1978, Trung Quốc đã dần trở thành động lực của kinh tế toàn cầu. Các hoạt động quân sự và chi tiêu quốc phòng của họ đều phản ánh điều này.

Trong vòng 25 năm qua, Trung Quốc đã phát triển rất mạnh trong lĩnh vực hiện đại hoá quân sự.

Mặc dù quân giải phóng Trung Quốc (PLA) thiếu hụt kinh nghiệm thực chiến cũng như năng lực chuyển gia quân sự, nhưng bọn họ đã thông qua các cuộc tập trận chung với quân đội Nga và một số nước khác để bù đắp khiếm khuyết này." - Matt Salmon đánh giá.

"Mọi hành vi xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp-PV) của Trung Quốc đã đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế đạt được hàng chục năm nay ở khu vực châu Á-Thái bình Dương, khiến quốc tế buộc phải quan ngại về cái gọi là 'sự trỗi dậy hòa bình' của Bắc Kinh".

Tập Cận Bình sẽ đưa Trung Quốc chuyển sang chiến lược ngoại giao hoàn toàn mới?

Tập Cận Bình sẽ đưa Trung Quốc chuyển sang chiến lược ngoại giao hoàn toàn mới?

Bắc Kinh "lệch bước" khỏi đường hướng của Đặng Tiểu Bình?

Theo ông Salmon, Trung Quốc trong thời kỳ lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đang có những dấu hiệu "lệch bước" so với đường hướng mà cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng đề ra.

Phương châm của ông Đặng thường được truyền thông quốc tế mô tả bằng thành ngữ Trung Quốc mà ông này đã sử dụng: "taoguangyangmei" - cụm từ chỉ sự âm thầm, lặng lẽ, không quá nổi bật.

Đây chính là những tiêu chí mà Đặng Tiểu Bình tin rằng Trung Quốc nên thể hiện trên trường quốc tế.

"Tuy nhiên, dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày càng thể hiện sự nổi trội và muốn đóng vai trò trong nhiều vấn đề quốc tế hơn." - Nghị sĩ Salmon bình luận.

Đa Chiều giải thích, việc Bắc Kinh "nhúng tay" vào nhiều sự vụ quốc tế hơn và để phát sinh một số mâu thuẫn không phải bởi nước này cố ý, mà xuất phát từ nguyên nhân... tự nhiên: "Sức mạnh càng lớn thì trách nhiệm càng nhiều".

Hồi tháng 12/2014, tờ New York Times của Mỹ cũng từng đăng bài phân tích ông Tập Cận Bình đang từ bỏ đường lối "taoguangyangmei" mà chuyển hướng sang "ngoại giao nước lớn".

TT nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS)
Christopher K. Johnson
Tập Cận Bình muốn nói với dư luận rằng, Trung Quốc đã là một nước lớn và phải thể hiện vị thế của nước lớn. Trung Quốc dưới thời ông Tập sẽ không còn kiên trì với lời huấn thị nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình rằng: Trung Quốc phải âm thầm quan sát và chờ đợi cơ hội trên trường quốc tế, "taoguangyangmei".

"Taoguangyangmei" là phương châm ngoại giao chiến lược mà Trung Quốc hiện đại đã theo đuổi trong hơn 2 thập kỷ qua, được ông Đặng đề ra vào cuối thập niên 1980, khi Trung Quốc "mờ mịt" trong việc tìm ra đường lối phát triển.

Tuy nhiên, Đa Chiều cho biết, những năm gần đây ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng phương châm của Đặng Tiểu Bình "mang tính cục bộ trong thời kỳ lịch sử đặc biệt" và không nên được xem là tư tưởng chiến lược dài hạn của Trung Quốc nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại