"Thay tướng" ở Đông Nam Á, TQ có ý đồ khác trên Biển Đông?

Hải Võ |

Nhiệm vụ "tái cân bằng Đông Nam Á" của Trung Quốc vừa được trao vào tay một chính khách được cho là sẽ tỏ thái độ cứng rắn hơn của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

Báo chí Trung Quốc đưa tin, đại sứ Từ Bộ - tân Trưởng đoàn đại diện Trung Quốc tại Đông Nam Á - đã trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại thủ đô Jakarta, Indonesia hôm 18/6.

Ông Từ đã bắt đầu nhận chức vụ kể từ ngày 27/5.

Trong bối cảnh cục diện Biển Đông vẫn diễn ra căng thẳng và các Ngoại trưởng ASEAN lần đầu cùng nhau lên tiếng phản đối Trung Quốc gây bất ổn khu vực, việc Từ Bộ tiếp nhiệm chức đại sứ vào thời điểm này được đánh giá là bất thường.

Trang Đa Chiều cho rằng, hành động "thay tướng" ở Đông Nam Á cho thấy Trung Quốc đang "ngấm ngầm" muốn tỏ thái độ cứng rắn hơn với các quốc gia trong khu vực này.

Được biết, chính phủ Trung Quốc lần đầu thiết lập chức vụ đại sứ Đông Nam Á vào năm 2009, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác chiến lược với cộng đồng ASEAN và gia tăng giao lưu, trao đổi.

Đáng chú ý là, người tiền nhiệm của Từ Bộ là Dương Tú Bình cùng 2 đại sứ trước đó là Tiết Hãn Cần, Đồng Hiểu Linh đều là phụ nữ. Ông Từ là đại sứ nam đầu tiên mà Bắc Kinh cử tới ASEAN.

Trung Quốc đánh giá "đại sứ Đông Nam Á" là một vị trí gai góc và phải đối diện với nhiều thách thức.

Trong đó, đáng kể nhất là bảo vệ lợi ích của Trung Quốc - vốn có nhiều yêu sách phi pháp và bị các nước ASEAN phản đối, đồng thời đại sứ Trung Quốc phải làm "cầu nối" để tránh vấn đề Biển Đông làm xấu đi các mối quan hệ hợp tác với Đông Nam Á.

Vì vậy, đại sứ tại Đông Nam Á vẫn được xem như "tiên phong" của Bắc Kinh mỗi khi xảy ra mâu thuẫn với các quốc gia ASEAN.

Tân đại sứ Từ Bộ từng làm phó Lãnh sự tại Tổng lãnh sự quán Karachi, Pakistan; Tham tán đoàn đại diện Trung Quốc thường trú LHQ; phó Giám đốc Sở quy hoạch chính sách Bộ ngoại giao Trung Quốc...

Trước khi nhận chức ở Đông Nam Á, ông Từ đã có 4 năm liền đảm nhận chức phó đại diện Sự vụ bán đảo Triều Tiên của Trung Quốc, kể từ tháng 10/2011.

Tân đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ (phải)

Tân đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ (phải)

Chuyển biến thái độ của Bắc Kinh đối với ASEAN?

Đa Chiều bình luận, một nhân vật từng hoạt động trên "chiến trường đặc thù" về vấn đề Triều Tiên như Từ Bộ "đủ khả năng cảnh cáo các nước Đông Nam Á 'hay ảo tưởng' cũng như các 'ông lớn' đang đứng phía sau".

Theo Đa Chiều, việc không tiếp tục cử một nữ đại sứ khác tới ASEAN mà thay vào đó là một đại sứ nam "hoàn toàn không phải ngẫu nhiên".

Bà Dương Tú Bình là người nắm rất rõ các sự vụ Đông Nam Á, bà Tiết Hãn Cần có kinh nghiệm ngoại giao rất phong phú, trong khi bà Đồng Hiểu Linh là chuyên gia các vấn đề châu Á.

Cả ba người tiền nhiệm của ông Từ đều thể hiện rõ quan điểm của Bắc Kinh muốn "lấy nhu chế cương", làm dịu tình hình Biển Đông trong nhiều năm qua trên bình diện ngoại giao, mặt khác vẫn không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xâm chiếm phi pháp trong khu vực.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Từ Bộ, Đa Chiều nhận xét Trung Quốc có khả năng sẽ có hành động, tuyên ngôn "manh động" hơn.

Đặc biệt, sự điều chỉnh thái độ của Bắc Kinh đối với ASEAN, theo Đa Chiều, có liên quan tới chiến lược "một vành đai, một con đường" mà quan trọng là "Con đường Tơ lụa trên biển" mà Trung Quốc theo đuổi.

Bắc Kinh chắc hẳn không mong muốn căng thẳng ở Biển Đông ảnh hưởng tới những toan tính của nước này đối với một chiến lược cho phép họ "vươn vòi" từ Đông sang Tây.

Do đó, sự thay đổi thái độ của Trung Quốc cũng được cho là nhằm tạo cơ sở để chiến lược "Con đường Tơ lụa trên biển" được bố trí thành công ở Biển Đông.

Điểm mâu thuẫn lớn nhất là Bắc Kinh càng đối diện với sự cứng rắn tăng lên của liên minh Mỹ-Nhật thì càng buộc phải thừa nhận tầm quan trọng của các quốc gia ASEAN.

Thế nhưng, Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi giữ lập trường "chỉ đàm phán trực tiếp với quốc gia mâu thuẫn".

Đây là cách mà Bắc Kinh sử dụng để chia tách cộng đồng ASEAN - vốn đã bị các nước Đông Nam Á nhận ra và phản đối từ lâu, trong khi họ có nhu cầu bức thiết phải "bắt tay" với cả Đông Nam Á mới mong "cô lập ngược" được Mỹ-Nhật.

Bất lực trên phương diện ngoại giao, Trung Quốc chủ yếu tấn công trên lĩnh vực kinh tế khi hứa hẹn mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch đầu tư Trung Quốc - ASEAN sẽ đạt 150 tỷ USD.

Mặt khác, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) hay "Con đường tơ lụa trên biển" cũng chính là những công cụ để Trung Quốc lôi kéo Đông Nam Á vào một nhóm "lợi ích chung", qua đó trói buộc ASEAN vào các "hiệp ước láng giềng hữu nghị" có lợi cho Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại