Tại cuộc gặp, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski và Tổng thống Moldova Nicolae Timofti nhất trí cả Ukraine lẫn Moldova nên tiếp tục con đường hướng về châu Âu của mình.
Cuộc họp tại thủ đô Chisinau của Moldova được kỳ vọng sẽ góp phần giúp các đảng thân phương Tây chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở nước này vào ngày 30-11 tới. Các cuộc thăm dò cho thấy các đảng này đang đang chiếm đôi chút ưu thế. Về tình hình ở miền Đông Ukraine, các nhà lãnh đạo lo ngại xung đột giữa chính phủ và phe ly khai thân Nga có thể bùng phát trở lại.
Song song đó, giới chức Mỹ cho biết Washington có kế hoạch tăng cường viện trợ quân sự phi sát thương cho Kiev, trong đó có chuyển giao đợt xe Humvee đầu tiên. Trong thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn quyết định không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Theo các quan chức giấu tên, gói viện trợ là động thái tăng cường sự hỗ trợ của Mỹ dành cho lực lượng vũ trang Ukraine song nhiều khả năng sẽ không làm thay đổi đáng kể cuộc xung đột tại nước này.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama tin rằng Ukraine có đủ vũ khí gây sát thương và những loại vũ khí mà Tổng thống Poroshenko yêu cầu Mỹ cấp cho họ chẳng ý nghĩa gì trong việc thay đổi tình hình ở Ukraine. Giới chức Mỹ cũng nhấn mạnh đến con đường ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng. Dự kiến, gói viện trợ tăng cường cho Ukraine được công bố trong chuyến thăm Kiev của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden từ ngày 20-11.
Trước thông tin ông Biden đến Ukraine với hứa hẹn giúp đỡ quân sự, Moscow hôm 20-11 lên tiếng phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nhấn mạnh động thái đó của Washington là “dấu hiệu rất nghiêm trọng”. “Đó là một sự vi phạm trực tiếp các thỏa thuận bao gồm những thỏa thuận đạt được với chính phía Mỹ” – người phát ngôn này nói.