Mỹ gấp rút chuẩn bị "đại chiến giữa các vì sao"?

Hải Võ |

Một nghị sĩ Mỹ mới đây đã nhắc lại nguy cơ xảy ra xung đột với Nga, Trung Quốc ngoài không gian và kêu gọi nước này chuẩn bị cho "chiến tranh giữa các vì sao".

Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Quốc) đưa tin, nghị sĩ Mỹ Mike Rogers - phát ngôn viên Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ - tuyên bố hôm 8/7 rằng Trung Quốc và Nga có đủ khả năng bắn rơi vệ tinh của Mỹ, do đó Washington cần giải quyết vấn đề bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa trong không gian.

Ông Rogers kêu gọi Lầu Năm Góc gấp rút thực hiện kế hoạch thành lập "trung tâm đặc biệt" trước cuối năm nay, nhằm chuẩn bị cho "đại chiến giữa các vì sao" xảy ra, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ tranh giành quyền lực trong vũ trụ.

Nghị sĩ Mỹ nhắc nhở, Trung Quốc từng thử nghiệm vũ khí trong không gian và phá hủy vệ tinh của chính nước này. Nói cách khác, vũ khí của Bắc Kinh hoàn toàn có thể tấn công vệ tinh Mỹ và một hệ thống phòng thủ tên lửa là cần thiết để đối phó với nước này.

Cankaoxiaoxi "đặt giả thiết" Mỹ có 100 vệ tinh quân sự thì xung quanh các vệ tinh này cần có ít nhất 100 vệ tinh khác "mang thành phần sát thương" để đề phòng các cuộc tấn công từ Trung Quốc.

Trong trường hợp đó, Washington cần phải tăng gấp nhiều lần số lượng vệ tinh thực tế, đồng thời phải thiết lập hệ thống cảnh báo Trung Quốc phóng tên lửa.

Chuyên gia quân sự, nhà phân tích chính trị Nga Vladimir Evseev đánh giá: "Washington khó có thể thông qua quyết định xây dựng cả một hệ thống phòng thủ tên lửa trong không gian bởi chi phí quá đắt đỏ."

Ngoài Nga và Trung Quốc, các quốc gia khác cũng có khả năng đưa vũ khí lên không gian, khiến Mỹ không thể giữa vị trí đứng đầu toàn cầu trong lĩnh vực này.

Cankaoxiaoxi cho rằng, quần thể vệ tinh của Mỹ khá mỏng manh bởi có số lượng nhiều nhất so với các quốc gia khác.

Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng, dù không thể phá hủy các nhóm vệ tinh của Mỹ thì Bắc Kinh cũng có thể duy trì thế đối kháng với Washington trong không gian.

Sputnik News (Nga) bình luận, bất kỳ quyết định bố trí vũ khí trong vũ trụ nào của Mỹ đều sẽ thúc đẩy Trung Quốc và Nga thiết lập một hệ thống chống vệ tinh thực thụ.

Theo đó, hệ thống phòng thủ vệ tinh hiện nay mới ở giai đoạn nghiên cứu, nhưng vẫn tồn tại khả năng được khởi động.

"Washington không thể bố trí vũ khí với quy mô lớn trong vũ trụ, trong khi sự bố trí cục bộ lại cho phép các quốc gia khác xây dựng được cơ chế để đánh bại hệ thống của Mỹ. Thêm vào đó, hiện nay đã có nhiều cơ chế như vậy với giá thành thấp." - Evseev nhận xét.

"Đại chiến giữa các vì sao" - như lo ngại của nghị sĩ Mike Rogers - nếu xảy ra, cho dù chưa tới mức "không thể cứu vãn", cũng đưa tới cục diện vô cùng phức tạp nếu tiến hành đàm phán.

Hiện tại, các bộ quy tắc chuẩn mực về hành vi ứng xử trong vũ trụ giữa các bên vẫn trong giai đoạn thảo luận và có cơ hội đạt được thỏa thuận chung, ví dụ như Quy tắc châu Âu, Quy tắc Nga-Trung...

"Cuộc chiến vũ trụ" giữa Mỹ với Nga, Trung Quốc đã nóng lên kể từ cuối tháng 6 vừa qua, khi Washinton tích cực lên kế hoạch xây dựng trung tâm điều hành liên hợp mới chuẩn cho xung đột trong không gian.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work đánh giá, năng lực quân sự "không đối xứng" tăng dần giữa Trung Quốc và Nga đã khiến các lãnh đạo Lầu Năm Góc lo ngại và cho thấy "mối nguy hiểm rõ rệt" đối với ưu thế quân sự của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại