Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên tuyên bố không công nhận kết quả trưng cầu dân ý về việc Crimea ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã kêu gọi Nga rút lại sự công nhận độc lập của Crimea; đồng thời tuyên bố Nhật Bản sẽ áp đặt trừng phạt lên Nga, bao gồm đình chỉ các đàm phán nới lỏng thị thực, đầu tư, khám phá vũ trụ…
Nghị sĩ Mikheyev thuộc đảng nước Nga Công bằng, gọi quan điểm của Nhật Bản về tình hình Ukraine và Crimea là “phi logic”.
Trong đơn gửi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nghị sĩ Mikheyev chỉ trích hành động của Nhật Bản là “gây áp lực tới các vấn đề chẳng liên quan đến tình hình ở Ukraine, đến những người dân nói tiếng Nga tại Ukraine và tình hình Crimea”.
Theo nghị sĩ Mikheyev, “Mỹ và Liên minh châu Âu trừng phạt Nga vì có những nguyên nhân riêng. EU làm như vậy vì Ukraine có ý định kí thỏa thuận gia nhập khối này, còn Mỹ thì là do đây là thành viên quan trọng của NATO. Tuy nhiên, việc Nhật Bản áp đặt cấm vận vì sự ly khai của Crimea, đối với tôi, là phi logic”.
Nghị sĩ Mikheyev cảnh báo Nhật Bản không thể vừa hi vọng gây rối cho công tác ngoại giao Nga ở Ukraine, đồng thời cùng lúc lại trông đợi một giải pháp ngoại giao cho vấn đề quần đảo tranh chấp Nam Kuril (mà Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương bắc). “Họ đã phạm sai lầm nghiêm trọng”.
Vì tranh chấp ở quần đảo Nam Kuril mà Nhật Bản và Nga đến nay vẫn chưa kí hiệp ước hòa bình, quan hệ hai nước được quản lý theo một thỏa thuận đình chiến. Tuy nhiên, những năm gần đây, Nhật Bản và Nga đang tỏ ra thiện chí và tăng cương hợp tác. Nhật Bản đề xuất cơ hội đầu tư và nới lỏng cấp thị thực cho cư dân trên quần đảo, trong khi Nga đề xuất bảo vệ các nhà đầu tư Nhật Bản cùng những ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp Nhật Bản.