Hội nghị Trung ương 3 Khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa quyết định thành lập thêm hai tổ chức mới: Ủy ban an ninh quốc gia và Tiểu ban cải cách kinh tế Trung ương.
Theo các nhà phân tích, việc thành lập 2 thiết chế này là tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đã thành công trong việc củng cố quyền lực của mình với toàn bộ hệ thống chính quyền sau một năm nhậm chức. Họ có chung nhận định rằng, việc thành lập Ủy ban an ninh quốc gia và Tiểu ban cải cách trung ương chứng tỏ ông Tập Cận Bình phải có nhiều sức mạnh chính trị hơn người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào ở thời điểm một thập kỷ trước đây.
Thậm chí cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân, người được cho là vẫn còn tầm ảnh hưởng mạnh mẽ phía sau hậu trường, cũng đã thất bại trong việc thiết lập một ủy ban an ninh tương tự vào cuối năm 1990.
Cảnh sát bảo vệ lối vào khu vực Trung Nam Hải, nơi ở của các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước Trung Quốc
Ủy ban an ninh quốc gia sẽ mang lại cho ông Tập một cơ chế lãnh đạo mới nhằm gây ảnh hưởng đối với các ngành ngoại giao, tình báo, quân sự và các cơ quan thực thi pháp luật vào thời điểm các quan ngại về an ninh cả trong và ngoài Trung Quốc đang gia tăng. Nhiều nhà quan sát dự đoán ông Tập sẽ nắm giữ vị trí chủ tịch ủy ban này.
Vai trò trên sẽ giúp ông Tập kiểm soát tốt hơn vấn đề an ninh trong nước, nâng tầm lên một vị trí cao hơn vốn dường như đã bị hạ thấp sau khi cựu lãnh đạo an ninh Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu trong đợt sắp xếp lại nhân sự Đảng hồi cuối năm 2012.
“Quyền lực của người đứng đầu cơ quan an ninh trong việc quản lý lực lượng cảnh sát và tư pháp quốc gia giờ đây được chuyển sang cho ông Tập”, Gu Su, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh nhận xét.
Ủy ban ra đời này cũng cho thấy khả năng của ông Tập trong việc điều hướng các nhóm lợi ích ở ngành an ninh, lực lượng từng cản trở thiết lập một cơ quan như vậy trong nhiều thập kỷ. Lần gần nhất việc kêu gọi thành lập một ủy ban an ninh lên đến đỉnh điểm là vào năm 1997 khi Giang Trạch Dân tới thăm Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Theo ông Gu, tình trạng bất ổn gia tăng và hệ quả từ vụ án tham nhũng của cựu ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai đã làm dấy lên lo ngại về sự chia rẽ giữa các phe phái trong nội bộ Đảng và khiến ông Tập phải thiết lập một nền tảng quyền lực mạnh mẽ hơn. Thành lập được Ủy ban an ninh chứng tỏ ông Tập đã thuyết phục được giới lãnh đạo cấp cao trong Đảng về sự cần thiết phải có một cơ quan như vậy.
Zhang Lifan, nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh cho biết, Ủy ban đã được thành lập nhằm tái cân bằng quyền lực giữa các nhóm lợi ích, cho phép ông Tập làm việc theo phong cách “từ trên xuống” chặt chẽ hơn.
Trang mạng Weibo ngày 13/1 cho biết, ngoài ông Tập, Ủy ban an ninh sẽ bao gồm Chủ nhiệm Ủy ban chính pháp Trung ương Mạnh Kiến Trụ, Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương Vương Hộ Ninh, Phó Tổng thư ký Quốc vụ viện Uông Vĩnh Thanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban chính pháp trung ương Chen Li. Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã bị gỡ bỏ.
Li Wei, chuyên gia chống khủng bố của Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc cho biết, một ủy ban như vậy là cần thiết vì những nguy cơ an ninh đang gia tăng, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tấn công mang và bất ổn sắc tộc.
Ông Tập dự kiến cũng sẽ đóng một vai trò lớn trong Tiểu ban cải cách trung ương, mặc dù theo dự báo sẽ được lãnh đạo bởi Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tiểu ban này sẽ tập trung vào cải cách chính phủ và các mối quan hệ của nó với thị trường.