Cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn sau khi Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra bác bỏ tối hậu thư của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) do ông Suthep đưa ra.
Ông này yêu cầu bà và nội các từ chức trong vòng 24 giờ, tức cho đến 22 giờ 30 phút hôm 10-12, để mở đường cho việc bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời và thành lập một “hội đồng nhân dân” theo điều 3 của hiến pháp.
Không chỉ vậy, ông Suthep nói: “PDRC lệnh cho cảnh sát quay trở lại nhiệm vụ ngày thường trong vòng 12 giờ. “Thay vào đó, quân đội được yêu cầu triển khai vì mục đích an ninh tại cơ quan nhà nước” – ông Suthep nói thêm.
Chính phủ từ chối đòi hỏi của người biểu tình, nói rằng điều 3 không cho phép một nhóm người được thực thi quyền tối cao của nhân dân. Quốc vương sẽ thực thi quyền lực đó thông qua quốc hội, nội các và tòa án.
Các chuyên gia tại Thái Lan cũng khẳng định yêu cầu thủ tướng từ chức và trao lại quyền lực cho nhân dân theo điều 3 Hiến pháp mà ông Suthep đề cập là không phù hợp. Hội đồng Bảo vệ Dân chủ (AFDD) kêu gọi những người biểu tình từ bỏ nỗ lực thành lập một Hội đồng nhân dân “phát xít”, thay vào đó bày tỏ quan điểm chính trị của họ thông qua các cuộc bầu cử dân chủ.
Trước yêu cầu quét sạch dòng họ Shinawatra khỏi Thái Lan của lãnh đạo cuộc biểu tình Suthep, bà Yingluck kêu gọi người dân Thái Lan dành sự công bằng cho các bên.
Trong khi đó, Tổng thư ký Ủy ban Bầu cử Thái Lan Puchong Nutrawong cho biết khoản ngân sách 38 tỉ bath (khoảng1,2 tỉ USD) sẽ được phân bổ cho cuộc bầu cử quốc gia sắp tới. Ông Puchong cho biết thời gian đăng ký của các ứng cử viên là từ ngày 23 đến 27-12 và thời gian đăng ký đi bầu của cử tri là từ 28-12 đến 1-1-2014. Cuộc bỏ phiếu ưu tiên được ấn định là ngày 26.1. Khoảng 48 triệu cử tri đủ tư cách sẽ được tham gia cuộc bỏ phiếu lần này.