Làn sóng biểu tình Thái Lan đang “mất lửa”

Ngày 19.1, thủ lĩnh phe biểu tình - ông Suthep Thaugsuban - tiếp tục dẫn đầu hàng nghìn người tuần hành khắp thủ đô Bangkok, yêu cầu Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức.

Số người biểu tình giảm mạnh

Số người tham dự biểu tình đã giảm đi rất nhiều. “Những bạn hữu của tôi tại thành phố lẫn các vùng nông thôn, xin hãy cùng đứng lên, thực hiện điều cần làm để chấm dứt sự hoạt động của chính phủ này” - ông Suthep thúc giục vào tối 18.1. Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy phong trào đối lập sẽ tìm được chỗ đứng ở vùng nông thôn - nơi được xem là thành trì của đảng cầm quyền Pheu Thai của bà Yingluck.

Tuyên bố của ông Suthep được đưa ra sau vụ nổ lựu đạn hôm 17.1 làm 25 người biểu tình  bị thương, 1 người thiệt mạng. Đây là vụ bạo lực nghiêm trọng trong suốt 2 tháng diễn ra làn sóng biểu tình chống chính phủ ở Bangkok. Cảnh sát hiện đang truy tìm 2 người đàn ông, một người được cho là trợ lý của một cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ đối lập - có mặt trong cuộn băng quay lại vụ nổ lựu đạn.

Cựu nghị sĩ Kowit Tharana thừa nhận, chiếc xe tải bị tình nghi ở hiện trường thuộc về trợ lý của ông,  người tài xế cũng bị thương trong vụ nổ và không thể có bất cứ sự liên quan nào đến vụ việc. Ông Kowit yêu cầu cảnh sát nên điều tra kỹ lưỡng, thay vì chú trọng vào những hình ảnh thu được từ cuộn băng trên.

Người Thái tưởng nhớ nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ lựu đạn hôm 17.1.

Các vụ bạo lực chưa dừng lại ở đó. Đêm 18.1, một tay súng xả đạn vào những người biểu tình tại Lat Phrao - phía bắc Bangkok, khiến một người trúng đạn. Một vụ nổ cũng xảy ra tại Chitlom,  song không ai bị thương. Hiện chưa rõ thủ phạm của các vụ tấn công nhằm vào người biểu tình, nhưng lãnh đạo đối lập Suthep đã lập tức đổ tội cho chính phủ,  khẳng định “hành động tàn ác” đó sẽ không thể làm lung lay tinh thần của người biểu tình.

Cùng ngồi lại để tìm giải pháp

Ngày 19.1, Tư lệnh Tối cao quân đội Thái Lan Thanasak Patimaprakorn kêu gọi chính phủ và phe đối lập phải cùng ngồi lại để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột chính trị hiện nay. “Tất cả chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau để cùng chăm sóc cho nước mẹ” - tướng Thanasak nói.

Tờ Bangkok Post dẫn lời ông Thanasak, khẳng định ông không hề có ý định trở thành thủ tướng hay đóng vai trò như trung gian hòa giải trong làn sóng xung đột chính trị tại Thái Lan: “Mối quan hệ giữa chính phủ và quân đội vẫn bình thường... Chúng ta cần tôn trọng pháp luật và trật tự. Bản thân tôi tôn trọng pháp luật và  tôn trọng  các bên. Tôi yêu cầu tất cả các bên nên ngồi lại, đàm phán để tìm ra giải pháp”. Song, tướng Thanasak cũng thừa nhận rất khó có thể tìm ra được một trung gian hòa giải được cả hai bên chấp nhận.

Thủ tướng Yingluck vẫn kiên định rằng, chỉ có bầu cử là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng Kiểm toán Thái Lan đang khuyến nghị nên hoãn cuộc bầu cử, viện dẫn lo ngại “chi phí 3,8 tỉ baht sẽ bị lãng phí” nếu như lại phải tổ chức một cuộc bầu cử khác sau đó, vì phe đối lập không chấp nhận kết quả.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại