Làm bạn tốt với QG Trung Đông, Putin đang cầm "con dao hai lưỡi"

My Lan |

Nhà nghiên cứu người Nga cho rằng, Moscow đang phải đối mặt với rủi ro trong tương lai, bắt nguồn từ đồng minh Iran.

Đồng minh trung thành

Trong suốt nhiều năm qua, Nga luôn đứng về phía Iran, bất chấp các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên quốc gia Hồi giáo này.

Moscow đóng góp một phần công sức không nhỏ, giúp Tehran đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với phương Tây tại Vienna hôm 14/7. Gần đây nhất, Iran có cùng chung quan điểm và luôn đứng về phía Nga khi Moscow tiến hành chiến dịch không kích tại Syria.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu sinh tại Đại học bang Tomsk Yulia Zhuchkova trên tờ The Moscow Times, "sự hợp tác Moscow-Tehran có vẻ lạ lùng, phần lớn là bởi lợi ích chính trị của Nga trong mối quan hệ đó gần như hoàn toàn trái ngược với nhiều lợi ích kinh tế".

Từ quan điểm chính trị, việc tăng cường quan hệ với Iran giúp Nga thể hiện tình đoàn kết với các quốc gia tự nhận thấy mình không được phương Tây ủng hộ, đồng thời khẳng định quyền của mỗi quốc gia được tự do lựa chọn con đường riêng để phát triển.

Với cuộc khủng hoảng ở Syria, cái bắt tay với Iran giúp Nga có thêm động lực để bảo vệ "chủ quyền" Syria, từ đó, cho các đối thủ thấy rằng, vẫn tồn tại lực lượng có khả năng giúp đỡ các quốc gia chống lại sự đổ bộ của các cuộc cách mạng từ nước ngoài.

Có thể thấy, Nga có thể trực tiếp hưởng lợi ít nhiều từ tất cả các động cơ chính trị nói trên, chúng khiến Nga trở nên quan trọng trong trường quốc tế.

Thêm vào đó, Nga hoàn toàn có quyền hi vọng khi Iran đã nhiều lần hứa hẹn sẽ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO và hợp tác với Liên minh kinh tế Á - Âu.

Thoả thuận hạt nhân lịch sử không chỉ giúp Iran dần thoát khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây, mà nó còn mang tới cho quốc gia Trung Đông này nhiều cơ hội.

Điều đó, theo nhà nghiên cứu Zhuchkova, chắc chắn sẽ có lợi cho Nga trong một số lĩnh vực, đặc biệt là thoả thuận đổi dầu lấy lương thực và hoạt động buôn bán tên lửa, song cũng chính nó lại trở thành thách thức với Nga trong dài hạn.

Hay nói cách khác, quan hệ hợp tác cùng Iran là "con dao hai lưỡi" đối với Nga.

Nhà nghiên cứu người Nga
Yulia Zhuchkova
Khi xây dựng một khuôn khổ cạnh tranh tích cực tại thị trường mà chỉ vài năm trước đây, mình còn nắm độc quyền, các nhà lãnh đạo Nga có tính toán kỹ lưỡng về khả năng các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ được dỡ bỏ, cho phép quốc gia này tìm kiếm các sự hợp tác hơn nữa về kinh tế với phương Tây?.

  

Đối thủ cạnh tranh

Zhuchkova chỉ ra, khó khăn đầu tiên là hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khả năng sẽ là khí đốt trong tương lai. Theo dự kiến, sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Nga sẽ đạt ít nhất 1 triệu thùng/ngày vào cuối 2015 hoặc đầu 2016.

Thế nhưng, với cả 2 loại nhiên liệu này, Iran lại có thừa: 157,3 triệu thùng dầu và 33,8 nghìn tỉ mét khối khí đốt.

Các nhà phân tích ước tính rằng Iran sẽ cần khoản tiền đầu tư trị giá khoảng 200 tỉ USD và 3 - 4 năm để khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu mỏ về mức trước khi chịu trừng phạt là 2,4 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, các công ty phương Tây sẵn sàng đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp dầu mỏ Iran bởi giá cả thấp, lượng dữ trự dầu mỏ tương đối thấp, giá thành sản xuất rẻ.

Trước tình hình này, bà Zhuchkova băn khoăn: "liệu Nga có thực sự cần một đối thủ cạnh tranh trong một ngành công nghiệp quan trọng như vậy?".

Thêm vào đó, mối quan hệ về kinh tế giữa Nga và Iran đã phát triển khá nhanh trong vài thập kỷ qua chính là nhờ những lệnh trừng phạt của phương Tây. Bởi khi đó, Iran bị hạn chế trong việc lựa chọn đối tác và thường phải dựa vào Nga.

Tuy nhiên, mọi thứ giờ đây dường như đã bắt đầu thay đổi. Ngay sau khi quan hệ của Iran và phương Tây bắt đầu tan băng, Tehran đã công bố kế hoạch mua ít nhất 90 chiếc máy bay chở khách Boeing và Airbus.

Nhà nghiên cứu người Nga
Yulia Zhuchkova
Liệu có đáng để Nga làm bạn tốt như vậy với Iran suốt nhiều năm như vậy? Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo Nga sẽ phải hơn một lần đặt câu hỏi này cho chính mình vào những năm sắp tới.

Cuối cùng, và có lẽ cũng là quan trọng nhất, theo nhà nghiên cứu Zhuchkova đó là Iran - với vị trí trung gian, cửa ngõ độc nhất vô nhị "có khả năng phá vỡ hàng loạt các kế hoạch địa chính trị của Nga".

Các nhà lãnh đạo Nga gần đây đã nói về nhiều về việc hội nhập với Lục địa Á Âu và tham gia vào dự án Vành đai Kinh tế - Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc, song chiến lược này có thể sẽ vấp phải sự thách thức từ Iran.

"Iran sẽ bắt đầu thiết lập quan hệ với phương Tây cũng như Trung Quốc, và tiềm năng trở thành quốc gia trung gian, cửa ngõ của nước này, sẽ trở thành nhân tố chính trong những mối quan hệ hợp tác đó".

Trung Quốc đã ký với Iran một thỏa thuận hợp tác kéo dài 30 năm ngay cả trong khi quốc gia Trung Đông này vẫn đang chịu trừng phạt.

Mới đây, Bắc Kinh đã tuyên bố sẵn sàng tăng cường thương mại song phương với Tehran lên con số 100 tỉ USD/năm. So với con số này, trao đổi thương mại Nga - Iran hiện nay chỉ là phần rất nhỏ.

Đương nhiên, việc không kích ở Syria, hỗ trợ cho ông Assad là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Nga vào lúc này. Tương tự, hợp tác giữa Nga và Iran và một số quốc gia lớn khác trong khu vực có thể giúp tăng cường vị thế của Nga trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà nghiên cứu người Nga, dường như chế độ của Tổng thống Assad đã sắp đi tới hồi kết, còn Washington sẽ tìm mọi cách đưa ra những đề xuất lớn hơn Moscow nhằm lôi kéo Iran tiếp tục hợp tác với mình.

"Nếu điều đó xảy ra - và rất có thể nó sẽ xảy ra, vậy thì bao nhiêu năm Moscow ve vãn Tehran sẽ chỉ dẫn tới một kết quả là tạo ra đối thủ lớn trong lĩnh vực năng lượng và trung gian, trung chuyển - 2 lĩnh vực quan trọng sống còn với Nga".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại