Tuy nhiên, không chỉ phải sống kiếp nô lệ trên đất Anh, các nạn nhân - hầu hết là phụ nữ - còn bị ép hành nghề mại dâm.
The Sunday Times dẫn lời các cơ quan điều tra cho biết, nạn nhân của những đường dây buôn người này phải trả 20.000 bảng cho một chuyến nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh. Tuy nhiên, phần lớn những người ôm mộng đổi đời đều không có khả năng chi trả bằng tiền mặt, nên họ bị đánh đập tàn nhẫn và buộc phải làm việc như nô lệ để trừ nợ.
Mức lương mà những người nhập cư bất hợp pháp nhận được lại là mức bèo bọt nhất có thể. Dẫu vậy, họ chẳng còn lựa chọn nào khác và chấp nhận sống kiếp nô lệ với khoản thù lao rẻ mạt. Kiếp sống đó chỉ chấm dứt khi họ trả hết nợ.
Mi Duc Li (tên nạn nhân đã được thay đổi), một thanh niên 28 tuổi, kể rằng anh bị buộc phải làm việc ở vùng Midlands để trả khoản tiền 23.000 bảng nhập cư vào Anh. Xuất hiện với tư cách nhân chứng trong phiên xử ở toàn án Northampton nhằm chống lại “trùm buôn người” Hanh Van Vu, Li đã kể lại hành trình trốn thoát sau quãng thời gian 7 năm sống kiếp nô lệ nơi xứ người.
Li cho biết, anh đến nước Anh với lời hứa hẹn về một cuộc sống mới với mức thu nhập trong mơ. Sau khi sử dụng giấy tờ giả để rời Việt Nam, bọn buôn người đưa Li xuống Heathrow và nói rằng anh là người tị nạn. Với một cái tên giả, Li bị những kẻ buôn người ép phải nói xấu chính quyền Việt Nam để tị nạn tại Anh.
Bị thuyết phục bởi lí do mà những kẻ buôn người gợi ý nói dối, các quan chức Anh cho phép Li tị nạn. Ngay lập tức, Li được đưa tới một hiệu làm móng tay ở Bletchley, Buckinghamshire để sống kiếp nô lệ với 2 ngày nghỉ mỗi tháng. “Tôi rất hiếm khi nhận lương. Nhưng mỗi khi được trả công, Vu lấy hết và nói rằng đó là khoản tiền tôi phải trả cho chuyến nhập cư vào Anh”, Li khai.
Với những bằng chứng không thể chối cãi, kẻ buôn người gốc Việt Hanh Van Vu bị kết án 11 năm tù. Trong khi đó, dù thoát khỏi kiếp nô lệ nhưng một trường hợp khác là Li Tan, chàng trai trẻ tới từ Hải Phòng, lại vô cùng trăn trở cho số phận những thanh niên đồng hương đang nằm trong tay những kẻ buôn người.
Theo lời kể của Li Tan, những cơ sở dậy nghề làm móng thu 150 bảng, tương đương 4,5 triệu đồng, cho khóa học kéo dài 6 tháng ở Hải Phòng. Tuy nhiên, rất nhiều người theo học nghề này bởi chủ của những trung tâm dạy nghề dụ dỗ rằng họ có thể kiếm lại khoản tiền đó chỉ với vài giờ “làm nail” ở Vương quốc Anh. Tuy nhiên, bi kịch sống nơi xứ người hoàn toàn ngược lại so với những lời hứa.
Đây là lý do tại sao cuộc điều tra của The Sunday Times cho thấy tối thiểu 100.000 người Việt Nam đang làm việc trong các thẩm mỹ viện tại Anh. Điều đáng lo ngại hơn là kết quả điều tra dân số chỉ cho thấy 29.000 người gốc Việt chính thức sống tại Anh. Câu hỏi đặt ra là: Bao nhiêu người trong số 100.000 người Việt Nam đang làm móng tay tại Anh nằm trong số 29.000 người mà các nhà chức trách công nhận.
Trong khi đó, London, Manchester và Portsmouth cũng là những điểm nóng đặc biệt về nạn buôn người ở Anh. Cảnh sát thừa nhận rằng, họ không thể xác định số lượng nô lệ bị buôn bán ở các điểm nóng này nhưng con số đó chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với ngưỡng 150.
Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết, buôn người mang lại khoản thu nhập 21 tỷ bảng Anh cho những kẻ bất lương trên khắp thế giới. Lòng tham của chúng khiến 21 triệu người đang phải sống kiếp nô lệ trên khắp địa cầu.
Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đang thúc đẩy chương trình thí điểm nhằm cung cấp các khoản vay giúp 36 nạn nhân buôn người trở về từ Anh làm lại cuộc đời. Hiệp hội Thẩm mỹ và Trị liệu Anh khuyến cáo người dân nên nói chuyện với các công nhân về trình độ, chế độ làm việc và đãi ngộ của họ nhằm tìm ra dấu vết của những kẻ buôn người đang ẩn nấp trong xã hội Anh.