"Kịch bản Ukraine' khó thành công ở Macedonia

Ngọc Thoa |

Trong những ngày qua, tình hình Macedonia (một nước nhỏ vùng Đông Nam châu Âu với dân số vẻn vẹn hơn 2 triệu người) đột ngột trở nên căng thẳng. Có thể thấy rõ phương Tây đang áp dụng “kịch bản Ukraine” tại Macedonia.

Những cuộc biểu tình rầm rộ do phe đối lập tổ chức nhằm lật đổ chính phủ của Thủ tướng Nicola Gruevski vì đường lối “thân Nga” của ông xen kẽ với những cuộc biểu tình rầm rộ còn hơn thế của những người ủng hộ ông.

Những dấu hiệu của “kịch bản Ukraine” ở Macedonia

Giữa tình hình hiện nay ở Macedonia và tình hình Ukraine hồi cuối năm 2013 có nhiều điểm giống nhau đến kỳ lạ.

Điểm giống nhau thứ nhất mà các nhà báo nhận thấy là số lượng những người biểu tình chống chính phủ được thổi phồng lên nhiều lần.

Theo thông báo chính thức của phe đối lập, có tới hàng chục nghìn người đã đổ xuống đường ở thủ đô Skopje để đòi chính phủ của Thủ tướng Nicola Gruevski phải từ chức, nhưng thực ra số người tham gia biểu tình chỉ vào khoảng 2 nghìn người.

Số người Ukraine mở đầu phong trào chống chính phủ tại thủ đô Kiev hồi năm 2013 cũng chỉ ở mức độ tương tự. Những người khởi xướng cuộc biểu tình ở Skopje cũng đã tổ chức một khu lều trại ngay tại nơi diễn ra mít tinh, nhưng phần lớn các lều trại đó hầu như trống không.

Hiển nhiên những lều trại đó mọc lên chỉ là nhằm tạo điều kiện cho phe đối lập lớn tiếng tuyên bố hành động phản kháng của họ được quần chúng rộng rãi hưởng ứng.

Điểm giống nhau thứ hai giữa tình hình Macedonia hiện nay và tình hình Ukraine cuối năm 2013 là vai trò “tiên phong” của sinh viên.

Ban đầu, đông đảo sinh viên Macedonia xuống đường chỉ nhằm đòi hỏi một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước. Nhưng rồi phong trào sinh viên đã bị phe đối lập khích động và “nâng lên” thành phong trào chống chính phủ.

Tại Ukraine hồi năm 2013 cũng vậy: những đòi hỏi chính đáng về kinh tế đã bị phe đối lập từng bước lợi dụng để biến thành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Yanukovich.

Điểm giống nhau thứ ba là sự can dự của nước ngoài. Cũng như các thủ lĩnh phe đối lập Ukraine hồi cuối năm 2013, các thủ lĩnh phe đối lập

Macedonia hiện nay cũng ra sức tận dụng sự ủng hộ toàn diện của những nước muốn lôi kéo Macedonia vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình.

Nếu vào năm 2013, các thủ lĩnh phe đối lập Ukraine thường xuyên tiếp xúc với sứ quán Mỹ thì giờ đây, các nhà báo nhận thấy thủ lĩnh phe đối lập Zoran Zaev không chỉ ra vào sứ quán Mỹ mà còn kịp đến thăm 5 nước chủ chốt của Cộng đồng châu Âu EU.

Kịch bản giống nhau, kết quả rất có thể sẽ khác nhau

Tuy phong trào chống chính phủ ở Ukraine năm 2013 và ở Macedonia hiện nay có nhiều điểm giống nhau nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng, kết quả rất có thể sẽ khác nhau.

Trước hết đó là vì ở Macedonia hiện nay không có một lực lượng đối lập nào có khả năng thực hiện một cuộc đảo chính thật sự.

Hơn thế nữa, không thể bỏ qua một yếu tố hết sức quan trọng là chính phủ hiện nay ở Macedonia được sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng.

Ngay sau khi diễn ra cuộc biểu tình chống chính phủ của phe đối lập thì ngày 20/5, đã có gần 5 nghìn người dân (tức là nhiều hơn số người biểu tình chống chính phủ) từ khắp nơi đổ về thủ đô Skopje để xuống đường ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm Nicola Gruevski.

Theo nhận định của các nhà phân tích, sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng đối với chính phủ hoàn toàn có thể ngăn chặn các kế hoạch của phe đối lập với sự tiếp tay của các nước phương Tây.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại