Đó là kịch bản “ngày tận thế của Triều Tiên” mà viện nghiên cứu Rand Corporation của Mỹ vẽ ra. Theo báo cáo của viện này, giữa Washington và Bắc Kinh cần đạt được thỏa thuận cấp kỳ, bao gồm vạch ra đường chia cắt tạm thời ở Triều Tiên, để tránh đụng độ quân sự trong trường hợp chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ.
Trong vòng 2 thập kỉ qua, các chuyên gia đã nhiều lần tiên đoán Triều Tiên sớm muộn gì cũng sụp đổ. Thế nhưng đất nước này vẫn “sống sót” qua nhiều lệnh trừng phạt quốc tế lẫn một nạn đói khủng khiếp có thể đã giết chết nhiều người.
Dù vậy, Rand Corporation vẫn khẳng định nội bộ Triều Tiên đang chao đảo hơn bao giờ hết và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Nguyên nhân là do những vấn đề kinh tế nội tại và nạn khan hiếm thực phẩm, bất chấp thủ đô Bình Nhưỡng đang chứng kiến những dấu hiệu thịnh vượng. Ngoài ra, chính quyền Triều Tiên cũng mất dần khả năng giấu kín thế giới bên ngoài trước con mắt người dân trong khi những tin đồn về đảo chính, bất mãn trong quân đội ngày càng nhiều hơn.
Trong trường hợp Triều Tiên sụp đổ, một quan chức Hàn Quốc giấu tên nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, Seoul không mặn mà với viễn cảnh để Bắc Kinh kiểm soát một phần Triều Tiên bởi lẽ điều này sẽ đụng chạm đến chủ quyền toàn bán đảo.
Theo Rand Corporation, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đưa quân vượt sông Áp Lục để vào Triều Tiên nếu chính quyền láng giềng mất kiểm soát. Mục đích của Trung Quốc là muốn ngăn dòng người tị nạn vượt biên giới cũng như sẵn sàng cản đường quân Mỹ.
Về phía Hàn Quốc, tuy đa số người dân không hứng thú lắm với chuyện đột nhiên thống nhất bán đảo do lo sợ khoản kinh phí quá lớn dùng để cứu vãn kinh tế Triều Tiên, song quân đội Seoul cũng sẽ nhanh chóng tiến vào lãnh thổ miền Bắc với sự hậu thuẫn của quân Mỹ nếu Triều Tiên có biến cố.
Tác giả của bản báo cáo, chuyên gia quân sự Bruce Bennett, phân tích: “Để khoanh vùng lãnh địa, Trung Quốc và liên quân Mỹ - Hàn sẽ nhanh chóng liên lạc để lập thỏa thuận. Nếu để xảy ra trường hợp quân bên này xâm phạm khu vực của đối phương thì xung đột sẽ xảy ra và nhanh chóng leo thang dù cả 2 bên đều không mong muốn”.
Ông Bennett cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ - Hàn có thể có cùng mục tiêu kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, bao gồm vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học.
Có 3 đường chia cắt tạm thời có thể được đem ra bàn bạc. Một đường chỉ cách biên giới Trung Quốc 50 km trong khi đường xa nhất sẽ chia đôi thủ đô Bình Nhưỡng và Wonsan, một thành phố lớn khác ở bờ biển phía đông Triều Tiên.