Những vụ nói dối khó tưởng tượng nhất Trung Quốc

My Lan |

(Soha.vn) - Chính quyền tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc ngụy tạo câu chuyện "bắt được hổ quý" để kiếm tiền...

"Zhenglong chụp ảnh hổ"

Ngày 12/10/2007, Cục kiểm lâm tỉnh Thiểm Tây tuyên bố rằng họ đã tìm thấy một con hổ quý Nam Trung Quốc ở tỉnh này, đồng thời đưa ra bức ảnh mà một người dân làng tên là Zhou Zhenglong chụp giống hổ này vào ngày 3/10 để làm bằng chứng.

Ngay sau đó, Cục kiểm lâm Thiểm Tây đã nộp đơn xin tài trợ nhằm bảo vệ loài động vật sắp tuyệt chủng này, trong khi đó, chính quyền huyện Zhenping còn đặt một bảng quảng cáo du lịch lớn trên đường phố với dòng chữ: "Thăm thú thiên nhiên, nghe tiếng hổ và ăn thịt lợn hun khói Zhenping".

Tuy nhiên, công chúng dường như cảnh giác hơn nhiều khi dồn dập đặt câu hỏi về tính chân thực của bức ảnh. Họ thậm chí còn truy ra được nguồn gốc xuất xứ của bức ảnh được rêu rao là "bằng chứng" kia. Song, bất chấp những bằng chứng không thể chối cãi về bức ảnh giả mạo, các nhân viên kiểm lâm vẫn chắc nịch quan điểm ủng hộ ông Zhou.

	Zhou Zhenglong khoe khoang

Zhou Zhenglong khoe khoang "bằng chứng giả" trước quan chức và báo giới.

Cuối cùng, trước áp lực của dư luận, vụ việc mới bị điều tra làm rõ. Zhou bị kết án 3 năm rưỡi tù giam vì tội giả mạo và mang theo vũ khí bất hợp pháp.

Sau sự việc lùm xùm này, cư dân mạng đã "phát minh" ra cụm từ "Zhenglong chụp ảnh hổ" để ám chỉ "một người hoặc một nhóm người nào đó thực hiện hành vi lừa đảo vì lợi ích riêng của mình và chối tội ngay cả sau khi sự ngụy tạo bị phát hiện".

Bi kịch của "người hùng"

Ngay cả trong giới trí thức Trung Quốc, những chiêu thức lừa đảo, giả mạo cũng không hiếm. Điển hình trong số đó là vụ chip điện tử Hanxin từng gây xôn xao dư luận Trung Quốc một thời gian dài.

Năm 2003, Chen Jin, kĩ sư của Motorola dường như trở thành người hùng trong giới công nghệ khi công bố loại chip điện tử mang tên Hanxin - 1 và khẳng định rằng do chính mình chế tạo.

Con chip này được một số học giả Trung Quốc xếp hạng "5 sao". Chính quyền Thượng Hải thì hết lời ca tụng rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc có quyền sở hữu trí tuệ loại chip 0,18 micro-mét.

Không chỉ được nhận vài bằng sáng chế tại Trung Quốc, Chen còn được bổ nhiệm giữ chức Viện trưởng Viện vi điện tử của Đại học Jaiotong (Thượng Hải), được phong "học giả Cheung Kong" (một chương trình nhằm thu hút học giả Hoa kiều quay về Trung Quốc). Chỉ trong vài năm, Chen đã đăng kí vài chục dự án nghiên cứu và nhận được khoản hỗ trợ nghiên cứu hơn 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 15,4 triệu USD) từ chính phủ. Những con chip thế hệ sau: Hanxin-2, Hanxin-3, Hanxin-4, Hanxin-5, lần lượt ra đời.

	Kĩ sư vô danh Chen Jin đổi đời nhờ

Kĩ sư vô danh Chen Jin đổi đời nhờ "ăn cắp" trắng trợn sản phẩm công nghệ nước ngoài.

Mãi tới năm 2006, sự thật về con chip làm nên sự nghiệp lẫy lừng của Chen mới được phơi bày. Hóa ra, con chip Hanxin-1 thực chất là MOTO-free scale 56800 được mua từ Mỹ. Việc duy nhất Chen làm là thuê người xóa đi nhãn hiệu được in trên con chip đó rồi thay vào kí hiệu riêng, biến nó thành của mình.

Trong khi đó, những người dũng cảm đứng lên bảo vệ sự thật, lẽ ra rất đáng được tuyên dương như những người hùng thực sự, thì lại phải chịu hình thức "kỷ luật" nghiêm khắc.

Khi dịch SARS bùng nổ trên toàn thế giới, trường hợp nhiễm SARS đầu tiên ở Trung Quốc được cho là xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông vào tháng 11/2002. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không báo cáo bất cứ trường hợp nhiễm bệnh nào lên Tổ chức Y tế Thế giới WHO mãi cho tới tháng 1/2013. Thậm chí, về sau này, con số trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo cũng ít hơn đáng kể so với thực tế.

Ngày 4/4/2003, ông Jiang Yanyong, bác sĩ phẫu thuật đã về hưu, giám đốc bệnh viên Quân đội số 301 ở Bắc Kinh, người mang hàm tương đương với hàm Thiếu tướng trong Quân đội Trung Quốc, đã gửi một email dài 800 chữ tới Đài Truyền hình CCTV và Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong), thông báo về sự bùng nổ của dịch bệnh nguy hiểm này ở Trung Quốc. Điều kì lạ không có bất cứ phương tiện truyền thông nào đưa tin về nó.

Khi truyền thông phương Tây phát hiện ra vấn đề, tờ Wall Street Journal và Time tìm tới gặp bác sĩ Jiang để phỏng vấn thì thông tin về việc chính phủ Trung Quốc cố gắng che giấu vụ việc đã được phanh phui.

Trong khi bác sĩ Jiang được trao giải Ramon Magsaysay (giải thưởng của châu Á, tương đương với Nobel Hòa Bình) cho "lòng dũng cảm, dám dứng lên nói sự thật ở Trung Quốc", thì trước đó không lâu, theo lời kể của người thân, vợ chồng ông bị đưa vào trại giam quân đội vì "vi phạm kỉ luật quân sự".

Mặc dù được thả, song ông Jiang lại bị quản thúc tại nhà và thậm chí không thể tới dự lễ trao giải của chính mình.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại