Khẩu hiệu 6 từ lý giải vì sao TQ bất ngờ cứng rắn với Triều Tiên

Ngọc Minh |

Mỹ có thể mong muốn Trung - Triều "tan đàn xẻ nghé", khi đó, Bắc Kinh sẽ không còn đứng về phía Bình Nhưỡng nữa. Song gần như chẳng có lý do gì để tin rằng điều này sẽ xảy ra.

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư Triều Tiên, Trung Quốc không chỉ lên tiếng chỉ trích, răn đe mà còn có những hành động rất cứng rắn.

Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, do LHQ thông qua, với những điều khoản "khắc nghiệt" nhất trong vài thập kỷ trở lại đây, chính là do Trung Quốc bắt tay cùng Mỹ soạn dự thảo.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, nước này muốn Triều Tiên "phải trả cái giá cần thiết" cho những hậu quả mà hành động của họ gây ra. Trên thực tế, Trung Quốc dường như đang tuân thủ rất nghiêm túc những lệnh trừng phạt này.

Có thể thấy rõ, liên minh giữa 2 quốc gia này đang trải qua giai đoạn căng thẳng nhất trong nhiều năm trở lại đây, và dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn. Trung Quốc hoặc là đang cứng rắn hơn, hoặc là đang ít kiên nhẫn hơn với Triều Tiên.

Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản của liên minh này thì vẫn được giữ vững.

Cốt lõi trong chiến lược của Trung Quốc

Nhà bình luận Max Fisher cho rằng, thái độ của Trung Quốc gần đây dựa trên chính sách lâu dài của nước này với Triều Tiên, có thể tóm gọn lại trong khẩu hiệu 6 từ: "No war, no instability, no nukes" (Không chiến tranh, không bất ổn, không vũ khí hạt nhân).

Đây là 3 ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh đối với bán đảo Triều Tiên, quyết định mọi thứ.

Cần chú ý rằng, 3 ưu tiên này được xếp theo thứ tự quan trọng giảm dần - ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, tiếp sau là ngăn chặn bất ổn (ví dụ như Triều Tiên sụp đổ) và cuối cùng mới là ngăn chặn vũ khí hạt nhân.

Rõ ràng, Trung Quốc muốn ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, bởi điều này có thể sẽ khiến chính Bắc Kinh chịu tổn thất.

Cũng theo ông, chính khẩu hiệu này đã giải thích vì sao không nên trông đợi Trung Quốc hoàn toàn từ bỏ Triều Tiên.

Nhà bình luận người Mỹ
Max Fisher
Trung Quốc muốn duy trì sự ổn định và hiện trạng trên bán đảo Triều Tiên - ưu tiên này còn cao hơn mục tiêu ngăn chặn vũ khí hạt nhân.

Bắc Kinh sẽ “làm lành” trước?

Sau khi Kim Jong Un lên nắm quyền năm 2011, Trung Quốc đã chọn cách "cứ chờ xem" theo cách gọi của các nhà phân tích, khi tiếp cận vấn đề Triều Tiên - có nghĩa là, cứ xem nhà lãnh đạo trẻ và thiếu kinh nghiệm này làm gì trước quyết định có ủng hộ ông ta hay không.

Cựu Đại sứ Anh tại Triều Tiên John Evevard chỉ ra: "Trung Quốc nhiều lần không hài lòng với cách cư xử của Triều Tiên, chứ không phải chỉ riêng gì các vụ thử hạt nhân, và đã cắt giảm viện trợ cho nước này.

Suốt hầu hết năm 2015, quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc - đồng minh duy nhất và cũng là nhà tài trợ chính về kinh tế - rõ ràng là đã nguội lạnh".

Sau khi Trung Quốc nguôi ngoại nỗi giận, còn Kim Jong Un có vẻ như đã củng cố vững chắc "ngôi báu" của mình, cả 2 bên chọn cách cải thiện tình hình.

Tháng 10/2015, Trung Quốc cử Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Liu Yunshan tới Bình Nhưỡng dự lễ kỉ niệm 70 năm thành lập đảng Lao Động Triều Tiên.

Đáp lễ, Triều Tiên đưa ban nhạc "con cưng" của Kim Jong Un là Moranbong tới Bắc Kinh trình diễn trong một buổi ca nhạc dành cho các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, đúng ngày Moranbong "đáp xuống" Bắc Kinh (10/12/2015), hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng tải tuyên bố của Kim Jong Un rằng Triều Tiên đã sẵn sàng dùng bom nhiệt hạch.

Moranbong hủy diễn quay trở về nước, mang theo nhiều đồn đoán. Vài tuần sau đó, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch - một động thái có thể coi là cố ý thách thức Trung Quốc.

"Đáng chú ý là, trong những lần thử nghiệm trước đây, Triều Tiên đều thông báo trước với phía Trung Quốc, song lần này, theo lời Trung Quốc, họ không biết gì", ông Everard cho biết.


Việc Moranbong bất ngờ hủy diễn quay về nước là một sự cố ngoại giao nghiêm trọng trong quan hệ Trung - Triều.

Việc Moranbong bất ngờ hủy diễn quay về nước là một sự cố ngoại giao nghiêm trọng trong quan hệ Trung - Triều.

Có một thực tế cần phải thừa nhận, sự rạn nứt trong mối quan hệ song phương đã dẫn tới việc Trung Quốc đồng tình với các lệnh trừng phạt.

Dù vậy, "đối với Trung Quốc, mục tiêu của các lệnh trừng phạt không phải là thay đổi chế độ", nó không đủ mạnh, các chuyên gia Paul Park và Katharine H.S. Moon từ Viện Brookings chỉ rõ. "Nếu không thì Nga và Trung Quốc đã không thông qua".

Dù Triều Tiên chưa bao giờ là đồng minh dễ bảo hay đáng tin cậy của Trung Quốc, song không có lý do gì để tin rằng những tính toán của Trung Quốc trong việc ủng hộ quốc gia láng giềng sẽ thay đổi.

Đó có thể là một phần lý do vì sao Triều Tiên có thể thoải mái thách thức đồng minh duy nhất của mình.

"Trung Quốc coi sự ổn định ở bán đảo Triều Tiên là mối quan tâm chính của mình", 2 học giả Eleanor Albert và Beina Xu từ Ủy ban Các vấn đề Quốc tế (Mỹ) nhận định.

"Trung Quốc đã liên tục thúc giục các cường quốc thế giới không đẩy Triều Tiên vào thế quá khó, vì lo sợ có thể khiến chế độ ở nước này sụp đổ".

Nhà bình luận Fisher dự đoán, do Bắc Kinh luôn rất nhạy cảm với những rủi ro phát sinh từ phía Bình Nhưỡng, nên nhiều khả năng, người chủ động hàn gắn sẽ là Trung Quốc, thay vì phá vỡ liên minh của mình.

Cùng chung quan điểm, học giả Scott Snyder từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) khẳng định khẳng định: "Lợi ích chiến lược của Trung Quốc nằm ở sự ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Điều này đòi hỏi Bắc Kinh phải cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng nhằm bảo vệ đòn bẩy của mình".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại