Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 28/2 đã tuyên bố Nga sẽ phải "trả giá rất đắt" nếu quyết định đưa quân đội vào Ukraine, tuy nhiên, ông đã không chỉ ra chi tiết cái giá đó là gì.
Về phần mình, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đưa ra một số gợi ý cho ông Obama, bao gồm trừng phạt các quan chức cấp cao của Nga, khởi động lại các kế hoạch phòng thủ tên lửa ở Đông Âu và đưa Georgia, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, gia nhập NATO.
Đầu tiên, ông McCain cho rằng chính phủ Mỹ cần tăng cường đe dọa về việc sẽ không tham gia Hội nghị thượng đỉnh G8, dự kiến được tổ chức tại thành phố Sochi của Nga vào tháng 6 tới. Theo ông này, một động thái hạn chế thì không thể nào thuyết phục được Putin từ bỏ ý định kiểm soát Crimea, nơi Nga đang triển khai Hạm đội biển Đen với 15.000 quân và lực lượng bán quân sự của Nga đang kiểm soát 2 sân bay chính ở đây.
“Tôi cho rằng sự dọa nạt của Obama thật buồn cười”, ông McCain nói. “Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần làm điều đó và tất cả các nhà lãnh đạo quốc tế cũng nên hành động như vậy, bởi điều mà Putin muốn là ra oai trên trường quốc tế”.
Thượng nghị sĩ này nhận định, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người đề xuất việc tái khởi động mối quan hệ giữa chính phủ của ông Obama với Nga năm 2009, đã hoàn toàn đánh giá sai Moscow. “Đương nhiên là bà ấy đã sai... Bà ấy đã tin rằng bằng cách nào đó, Mỹ có thể làm mới được quan hệ với một người từng Đại tá tình báo KGB, người luôn có tham vọng khôi phục đế quốc Nga".
Lính Nga tại Crimea, Ukraine.
Tiếp theo, ông McCain cho rằng Washington nên áp dụng đạo luật cho phép chính phủ Mỹ cấm vận một cách rộng rãi hơn đối với các quan chức Nga mà họ cho là "vi phạm nhân quyền". Đạo luật Sergei Magnitsky được Tổng thống Obama phê duyệt vào năm 2012 mới chỉ có hiệu lực với các quan chức cấp thấp của Nga.
Ông McCain cho rằng nếu các quan chức cấp cao Nga tham gia vào quyết định đưa quân tới Ukraine, họ cũng nên bị liệt vào danh sách này và phải chịu các hình phạt: cấm cấp thị thực, đóng băng tài sản và cô lập quốc tế. "Dự luật Magnitsky có thể được mở rộng để buộc những người có hành vi xâm lược phải chịu trách nhiệm".
Thêm vào đó, ông McCain khuyên chính phủ của Tổng thống Obama khởi động lại kế hoạch phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, vốn từng bị ông Putin phản đối kịch liệt. Mỹ đã khẳng định rằng quyết định dừng kế hoạch này không phải vì nhân nhượng Nga, mà bởi khi đó, ông Obama muốn hợp tác với Moscow nhằm tiếp tục cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. Nhưng sự hợp tác đó hiện nay dường như đã quá xa vời.
Cuối cùng, ông McCain lập luận rằng chính quyền của Tổng thống Obama nên hợp tác với NATO để đẩy nhanh quá trình đưa Georgia (nơi Nga từng can thiệp quân sự năm 2008) gia nhập liên minh quân sự này. Theo đánh giá của Thượng nghị sĩ McCain, việc này khó có thể xảy ra, bởi thực tế là Nga đang kiểm soát hai vùng khu vực tại Georgia, song nước này vẫn đang tìm kiếm một bước chuyển tiếp. Còn Ukraine, cách đây vài năm đã tình nguyện rút khỏi diện xem xét cho gia nhập của NATO, nhưng hiện nay có thể đã có thêm động lực để gia nhập liên minh.
Ông McCain nhận định rằng Mỹ không nên lựa chọn biện pháp quân sự để đối phó với Nga tại Ukraine, sự can thiệp của NATO cũng không phải là một lựa chọn khả thi, nhưng Ukraine thì không thể một mình chống lại Nga: “Thực tế là họ (Ukraine) không có tiềm lực quân sự để sánh với Nga. Đó là sự thật. Tôi chắc chắn họ biết điều đó”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Daily Beast, Thượng nghị sĩ McCain bày tỏ sự kinh ngạc khi chính quyền của Tổng thống Obama không tiên liệu được việc Nga sẽ đưa quân đội vào Ukraine. Tối ngày 27/2, tình báo Mỹ đã thông báo rằng họ không nhận thấy bất cứ bằng chứng nào về việc Nga đang lên kế hoạch can thiệp quân sự vào Ukraine. Sáng 28/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cho biết ông đã nhận được sự đảm bảo từ người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov rằng Moscow sẽ không làm những việc có thể gây hiểu lầm là hành động can thiệp quân sự.
McCain mỉa mai: “Nếu đây không phải là vấn đề nghiêm trọng thì phát biểu của ông Kerry thực là vô lý tới mức nực cười... Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy thái độ ảo tưởng của chính quyền Mỹ về Vladimir Putin".
Chiều ngày 28/2, Tổng thống Obama đã công khai cảnh báo ông Putin phải rút quân đội khỏi Ukraine. Sáng 1/3, các thành viên cấp cao thuộc nhóm an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ đã họp tại Nhà Trắng để xem xét các lựa chọn chính trị cho vấn đề Ukraine. Ông Obama không tham dự, nhưng Giám đốc tình báo quốc gia James Clapper, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey được ghi nhận đã rời khỏi Nhà Trắng sau cuộc họp.
Nhận định về các động thái của Mỹ, ông McCain cho rằng: “Tôi nghĩ rằng toàn bộ diễn biến đã khiến chính quyền và cộng đồng tình báo Mỹ ngạc nhiên, điều mà nhẽ ra không nên xảy ra”.
Chiều ngày 1/3, Nhà Trắng đã công bố nội dung cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa ông Obama và Putin về vấn đề Ukraine. Tuyên bố của Nhà Trắng không đề cập tới bất cứ "cái giá" nào mà Nga phải trả, trừ việc huỷ cuộc gặp chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi.
Tuy nhiên, ông McCain đã chỉ trích rằng tuyên bố của ông Obama chưa đủ mạnh để chống lại hành động của Nga: "Ông ấy nên công khai lên án rằng hành vi này xứng đáng bị gọi là xã hội đen... ".