CNN cho hay, máy bay do thám P8-A Poseidon của Mỹ đã bị Trung Quốc cảnh cáo 8 lần khi thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông hôm 20/5.
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho biết đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc cho phép truyền thông đi theo máy bay và chỉ trích "cũng là lần đầu Mỹ công bố video hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc và ghi âm phía Trung Quốc thách thức Mỹ".
Theo Hoàn Cầu, mục đích của Bộ quốc phòng Mỹ chính là để "tuyên truyền, nói xấu Trung Quốc".
Bắc Kinh hôm 21/5 vẫn ngang ngược tuyên bố rằng "có chủ quyền với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam) và vùng cận hải, do đó có quyền giám sát vùng trời và vùng biển".
Giới quan sát đều nhận định, vụ Trung Quốc "gầm ghè" với máy bay Mỹ hôm 20/5 cho thấy căng thẳng ở Biển Đông đang leo thang.
Hồi tuần trước, tàu tác chiến ven biển hiện đại của Mỹ USS Fort Worth cũng vừa hoàn thành nhiệm vụ tuần tra bảo đảm "tự do hàng hải" trên Biển Đông.
Hoàn Cầu: Mỹ đang tự đào huyệt trong "trò chơi chí mạng"
Học giả Zack Cooper thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Hoa Kỳ (CSIS) ẩn dụ về tình hình chính trị ở Washington xoay quanh vấn đề Biển Đông - "Mùa hè đã tới ở Washington, nhiệt độ đã tăng dần song bóng dáng những cơn bão vẫn còn đó".
Trong khi đó, học giả Trung Quốc về quan hệ quốc tế thuộc Học viện ngoại giao Lý Hải Đông trả lời phỏng vấn của Hoàn Cầu cho hay, chính quân đội Mỹ đã "mượn tay" hãng tin CNN để gửi thông điệp tới Bắc Kinh.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ mới đây đã tuyên bố kế hoạch đưa quân đội Mỹ vào tuần tra tại hải vực 12 hải lý của các đảo đá mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông "là bước tích cực" giúp bảo vệ tuyến mậu dịch trọng yếu ở khu vực.
Theo Hoàn Cầu, vấn đề Biển Đông hiện đã trở thành một vấn đề nghị sự quan trọng của cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ.
Ứng cử viên gốc Cuba của đảng Cộng Hòa chạy đua vào Nhà Trắng Marco Rubio hồi tuần trước tuyên bố - "Mỹ cần phải tỏ thái độ cứng rắn hơn nữa đối với Bắc Kinh, bao gồm vấn đề Biển Đông".
Ông Herman cho biết hôm 20/5 - "Cảnh tượng 'tàu chiến Trung-Mỹ bao vây lẫn nhau, máy bay chiến đấu 'quần' trên bầu trời' không phải là cách để Mỹ trở lại châu Á-Thái Bình Dương mà Tổng thống Barack Obama đã hứa hẹn."
Trước đó, hôm 17/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bắc Kinh rằng - "Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Trung Quốc và Mỹ".
Hoàn Cầu bình luận, động thái "leo thang căng thẳng của Mỹ ở Biển Đông" có thể dẫn tới xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, và hệ quả tất yếu là toàn bộ nền kinh tế cũng như an ninh thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Tờ The Strait Times của Singapore thì phân tích, dù không thể loại trừ khả năng xung đột quân sự Trung-Mỹ, nhưng đây là tình huống "ít có khả năng xảy ra nhất". Tờ này nhận định Nhà Trắng có thể sẽ phủ quyết kế hoạch tiến quân vào hải vực 12 hải lý của Lầu Năm Góc.
Thời báo Hoàn Cầu huyênh hoang tuyên bố, Mỹ không thể xem thường các khí tài quân sự của Trung Quốc và khẳng định "hơn một nửa không lực Trung Quốc đặt tại các khu vực núi và sẵn sàng chế ngự nếu Mỹ có ý định ra tay trước".
Cũng theo Hoàn Cầu, Trung Quốc đã phát triển "sát thủ tàu sân bay" là tên lửa Dongfeng 21D và "về lý thuyết, 5 quả tên lửa Dongfeng có đủ khả năng đánh chìm một hạm đội Mỹ".