"Hành động của Trung Quốc làm hỏng... Phong Thủy ở Biển Đông"

Hải Võ |

Sputnik News (Nga) đánh giá việc Mỹ bất ngờ "cứng" với Trung Quốc là để "phá" quan hệ Nga-Trung, trong khi quan chức Mỹ cho rằng "Trung Quốc làm hỏng Phong Thủy ở Biển Đông".

Tờ Washington Post (Mỹ) hôm 13/5 dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á Daniel Russel cho biết - "Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn đã phá hoại Phong Thủy Đông Nam Á cũng như cân bằng khu vực.

Chưa kể, các động thái xây dựng trái phép của Bắc Kinh cũng không phù hợp với tuyên bố 'trở thành láng giềng hữu nghị, một sức mạnh ôn hòa, không đe dọa' của Trung Quốc."

Hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng "tỏ ra lo ngại về việc Bắc Kinh dùng sức mạnh ép buộc các nước khác thừa nhận chủ quyền phi pháp của họ trên Biển Đông".

Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Quốc) cho hay, vấn đề kinh tế và an ninh khu vực đã được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel thảo luận với các quan chức ngoại giao Đông Nam Á trong khuôn khổ Đối thoại Mỹ-ASEAN lần thứ 28 (14-15/5).

Theo đó, ông Russel đã nhấn mạnh Mỹ "sẽ nỗ lực duy trì mối quan hệ gần gũi với ASEAN". Quốc hội Mỹ cũng đã tuyên bố "nhấn mạnh sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình căng thẳng ở Biển Đông một cách hòa bình".

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Benjamin Rhodes hôm 15/5 cũng cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á dựa trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được Trung Quốc và ASEAN ký kết năm 2002.

Theo ông Rhodes, Tổng thống Mỹ Obama có "lời hứa cá nhân mạnh mẽ" đối với mối quan hệ Mỹ-ASEAN. Ông Obama cũng khẳng định lập trường của Mỹ đối với chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" là "bất di bất dịch".

Mặc dù có những tuyên bố khá mạnh mẽ, nhưng theo Cankaoxiaoxi, Washington vẫn chưa sẵn sàng mạo hiểm phá mối quan hệ Trung-Mỹ và đối đầu với Bắc Kinh trên Biển đông.

Tuy nhiên, Mỹ dường như đang tìm kiếm các biện pháp nhằm kềm hãm mối đe dọa mà "sự tự tin của Trung Quốc" có thể đem lại cho nước này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hội kiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 17/5.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hội kiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 17/5. Ảnh: THX.

Khó đối phó Nga, Mỹ "xoay trục" sang Trung Quốc?

Sputnik News (Nga) hôm 14/5 đăng tải bài viết "Mỹ chuẩn bị cho xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông", nhận định Washington đã gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng Mỹ "không chấp nhận những yêu cầu của Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông".

Trước đây, Mỹ vẫn luôn chỉ trích hành động lấp biển, xây dựng đảo trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc, nhưng lần này "Mỹ lên tiếng đặc biệt cứng rắn và trực tiếp".

Theo Sputnik, sự cứng rắn bất ngờ của Mỹ đối với Trung Quốc trong khoảng 1 tuần trở lại đây có thể xuất phát từ cuộc tập trận chung của Trung quốc và Nga tại Địa Trung Hải.

Mặc dù cuộc diễn tập mang tính chất tượng trưng để "kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít", song Địa Trung Hải vốn được Mỹ và NATO xem là "biển nhà" của họ và động thái của Nga-Trung có thể xem là "một cái tát với Mỹ và đồng minh".

Sputnik nhận định, đây là nguyên nhân chính khiến Mỹ "ra đòn" đáp trả Trung Quốc bằng cách điều máy bay và tàu chiến vào Biển Đông - khu vực mà cục diện quan hệ quốc tế tương đối nhạy cảm.

Trang Đa Chiều (Duowei News) cho hay, trên thực tế Mỹ đã tuyên bố kế hoạch sử dụng hành động quân sự đối với Trung Quốc tại Biển Đông từ hôm 9/5 - ngày mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ của Nga.

Phó Chủ tịch Học viện các vấn đề địa-chính trị Nga Konstantin Sokolov nhận định, thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc còn nhằm phản ứng trước sự trỗi dậy của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mà Nga và Trung Quốc là các thành viên.

Chuyên gia phân tích người Nga Igor Korotchenko thì cho rằng, việc Mỹ công khai tuyên bố muốn can thiệp vào Biển Đông ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng John Kerry là một đòn "phủ đầu" hiệu quả và khiến Trung Quốc lo lắng.

Tuy nhiên, ông Korotchenko đánh giá cách gây áp lực này của Mỹ khó mang lại kết quả.

>> Nga-Mỹ thân thiện, Trung Quốc lo lắng "châm chích"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại