Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, vai trò của ông Hoàng trong vụ việc này là gây áp lực đối với chính phủ Hong Kong nhằm "xử lí" những lời buộc tội cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, cản trở quá trình pháp lý chống lại ông này.
Cụ thể, cựu nghị sĩ Ý Sergio De Gregorio cho biết ông Hoàng đã được đề nghị trì hoãn quá trình chuyển các bằng chứng phục vụ điều tra nghi án rửa tiền năm 2008 của ông Berlusconi từ Hong Kong tới Ý. Ông Gregorio đã thừa nhận rằng ông từng nhận tiền hối lộ từ cựu Thủ tướng Ý.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, theo báo cáo của ông Gregorio gửi tới các ủy viên công tố Ý, người đưa ra yêu cầu này chính là Đại diện của Hong Kong tại châu Âu khi đó, ông Ducan Pescod.
Cựu Vụ trưởng Vụ Luật pháp Hong Kong Hoàng Nhân Long.
Cựu nghị sĩ Ý Gregorio đã khai nhận từng ăn trưa cùng với Pescod vào tháng 4/2008. “Pescod nói ông ta sẽ bàn với Vụ trưởng Vụ Luật pháp của họ. Sau đó, ông ta viết thư cho tôi nói rằng "Tôi đã liên lạc được với bên Hong Kong và đã có thể chỉ đạo họ"".
Thư kí riêng của ông Wong đã lên tiếng phủ nhận thông tin này: “Ông Hoàng không nói chuyện với Pescod như lời khẳng định của ông Gregorio”.
Trong khi đó, phát ngôn viên của ông Pescod cũng phủ nhận việc ông này đã nói chuyện với Hoàng về vấn để liên quan tới vụ án rửa tiền ở Ý, đồng thời giải thích rằng bức thư ông Pescod gửi cho Gregorio ngày 6/5/2008 là một “cử chỉ xã giao” để cảm ơn về bữa trưa.
Ông Gregorio trước đó cũng tiết lộ rằng cựu Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Tăng Âm Quyền đã được hứa hẹn sẽ có một cuộc gặp gỡ riêng với Giáo hoàng Benedict XVI nếu ông có thể ngăn cản việc chuyển các bằng chứng quan trọng tới Ý.
Những thông tin trên một lần nữa lại khiến các nghị sĩ Hong Kong lên tiếng yêu cầu các quan chức tại Đặc khu hành chính này phải đưa ra lời giải thích đầy đủ cho những mối nghi ngờ về tính độc lập về tư pháp của họ.