Khó xử mọi bề
Đường đường là Tổng thống dân cử của một quốc gia, nhưng Viktor Yanukovych đã rời nhiệm sở, biến đi vào một hướng bất định, đặt các lực lượng chính trị quốc nội ủng hộ hay chống đối mình và cả các nước lân bang lẫn “thế lực ngoại bang” vào thế khó xử.
Dĩ nhiên lịch sử từng biết nhiều trường hợp vua chúa và nguyên thủ mất ghế do bị lật đổ, hay đơn thuần là “dân nổi can qua”. Nhưng trong trường hợp chính biến của riêng Ukraine vừa qua, nhiều lãnh tụ của chính thể mới lại vẫn cho rằng đã không xảy ra đảo chính, mà mọi sự đã xảy ra “trong khuôn khổ pháp luật”.
Về pháp lý, việc phế truất Viktor Yanukovych trong khuôn khổ pháp luật chỉ có thể tiến hành theo trình tự hạch tội để bãi miễn quan chức nhà nước (impeachment). Nhưng dù chữ impeachment đã được đề cập trong Hiến pháp Ukraine, Luật về “Luận tội để bãi miễn quan chức nhà nước” ở quốc gia này hiện chưa có. Nhưng nếu như Quốc hội Ukraine có khẩn cấp thông qua luật này đi nữa, thì (lại vẫn theo hiến pháp), luật vẫn phải do tổng thống đắc cử đúng thể thức (như Yanukovych) ký thì mới có hiệu lực.
Trường hợp hợp hiến thứ hai để tước quyền tổng thống, là vị này phải tuyên bố chính thức rằng mình từ nhiệm. Đến nay chỉ có điều ngược lại: ông Yanukovych mới đây khẳng định mình vẫn là tổng thống.
Trong một dích dắc của lịch sử, nhiều thần dân bất thần chứng kiến “Sa hoàng” Ukraine vi hành theo hướng… ra nước ngoài.
Nửa đường đứt gánh
Số là, đêm 20 rạng 21/2, trên nền những xung đột khốc liệt trên đường phố, ngoại giao đoàn châu Âu đã cố thuyết phục tổng thống Yanukovych nhượng bộ phe đối lập, rút các đơn vị công lực ra khỏi Kiev, tuyên bố khôi phục Hiến pháp Ukraine 2004 (hạn chế quyền hạn tổng thống, tăng quyền cho cơ quan lập pháp), phát động tuyển cử tổng thống trước thời hạn, thành lập chính phủ liên hiệp… Gọng kìm bên kia xiết bởi tổng thẩm phán Pshonka và Bộ trưởng Nội vụ Zakharchenko, đòi Yanukovych phải tuyên bố thiết quân luật…
Sau 9 tiếng đồng hồ thương thảo quyết liệt chưa từng có trong đời, “Sa hoàng” Yanukovych đã ngoặt xa giá của mình sang hướng chấm dứt dùng binh đao như giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị. Nhưng cử chỉ này vẫn bị báo chí cho rằng do áp lực… đồng tiền. Các “vú sữa” của Yanukovych, như trùm sỏ chính trị Rinat Ahmetov, ngay sau khi Mỹ và châu Âu “huơ gậy” trừng phạt kinh tế đối với Ukraine, đã quay lưng lại với tổng thống.
Bị bỏ lại một mình với các quan chức “công lực”, Yanukovych đã không thể “đá rắn đến hết hiệp” với các trợ thủ “bàn tay sắt” mà ông chưa kịp xây đắp một niềm tin, giới quan sát lạnh lùng nhận định.
Quyết định thỏa hiệp của Yanukovych lẽ ra phải mở đường, chí ít, cho khả năng cư trú an toàn của ông trong dinh cho tới dịp bầu cử tổng thống dự định vào tháng 12, 2014. Nhưng các công dân tự vũ trang thuộc “Nhóm cánh Hữu” không nhất trí với phương án này. Họ đòi Yanukovych từ chức ngay, nếu không, họ sẽ vẫn cầm khí giới…
36 chước
Dinh tổng thống, vô hình chung, trở thành một nơi giữ các con tin chính trị của “chế độ cũ”. Tin tức về cách xử lý bằng bạo lực tại chỗ ở nhiều cấp độ khốc liệt nhằm vào một số quan chức cấp cao của Ukraine, đã không thể làm Yanukovych yên tâm tại vị.
Kết quả là Yanukovych đã rời Kiev tùy nghi di tản mà chẳng giao quyền lại cho ai. Trên thực tế, ông bỏ ngỏ trách nhiệm chính trị của mình cho sóng gió dư luận, bỏ mặc vận mệnh xã tắc để tạm yên thân. Tình thế này buộc phe đối lập phải đi đến quyết định vượt ra ngoài vạch cấm địa chính trị: bổ nhiệm một tổng thống tạm quyền - một quyết định chưa “chuẩn” về pháp lý. Nhưng như các chuyên gia luật Ukraine kiến giải, “các nghĩa vụ của Tổng thống hiện được thực thi bởi người đứng đầu Verkhovna Rada (Quốc hội) ”.
Lựa chọn của Yanukovych có thể “duyệt” được về mặt an ninh cá nhân, nhưng không chấp nhận được nếu xét trên phương diện nguyên thủ - chính khách tầm quốc tế. Tại tổ quốc mình, ông hoặc bị căm hận vì đã ra lệnh đàn áp biểu tình, hoặc bị xem thường như “kẻ đầu hàng” (trong mắt những ai không nhất trí hội nhập Liên minh châu Âu). Các nước lân bang kể cả Nga, cũng không muốn nhìn thấy một tổng thống hợp hiến bỏ cương vị khi chưa bị phế truất, trong tư cách người tị nạn chính trị.
Người biểu tình đốt chân dung "Sa hoàng" đào tẩu Yanukovych
Yanukovych chạy được đến Donesk quê ta, từ đó muốn đào thoát bằng máy bay riêng. Nhưng các lực lượng giữ biên mậu đã không cho ông đi. Một nguyên thủ đã đào nhiệm không thể trừng phạt cấp dưới, nhưng dân binh vũ trang thì hoàn toàn có thể xử các quan “trấn ải” vì đã để (tự) “phế vương” tẩu thoát.
Bão tan
Ta vừa có quyền mong Yanukovych phải không trở thành một Gaddafi nữa. 25/2, Quốc hội Ukraine kiến nghị đưa ông ra xét xử tại Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) tại Hague, với cáo buộc giết chết nhiều người biểu tình. 27/7, chính quyền mới ở Kiev tuyên bố các tài sản của ông bị tịch biên để truy nguồn, các tài khoản ở ngân hàng nước ngoài có liên quan đến ông sẽ bị đóng băng. Tòa án văn minh là nơi, ít nhất, Yanukovych sẽ được tự bào chữa, quyền mà Gaddafi đã không thể có.
Viktor Yanukovych bị phát lệnh truy nã quốc tế, và truyền thông ngập vào những tin đồn ông đang ở đâu, mưu cầu gì. Ai đó tung tin để đánh lạc hướng những dân binh quá “sắt máu” đang muốn lấy đầu ông, ai đó gieo rắc kỳ vọng là Moscow sẽ phò một triều đã “đổ” (?) Nhưng với đa số thế nhân, tổng thống Yanukovych hiện ở đâu, số phận ông sẽ ra sao, đã không còn quá bận tâm.
Hôm nay ở Kharkov, nơi đang diễn ra Ngày nói tiếng Nga, nhiều người dân sở tại đang nói tiếng Nga, như tiếng nói đoàn kết với dân tộc Nga anh em, tiếng mà cựu lưu học sinh và cựu lao động quốc tế Việt Nam từng giao tiếp với những cha mẹ nuôi, anh chị em kết nghĩa ở xứ Ukraine xinh đẹp. Hoạt động của cộng đồng Việt ở Ukraine chắc đang hồi sinh mạnh mẽ.
Nhìn về chân trời xa, con lắc chính trị ở Kiev hẳn vẫn chậm rãi văng theo chiều Đông - Tây, rồi chắc lại Tây - Đông. Mong lắm những ảo tưởng ATM đựng sẵn tiền từ kho bạc rúp hay Mỹ kim sẽ không làm “tan đàn sẻ nghé”. “Được làm vua, thua…” càng không thể chấp nhận, ở thế kỷ 21.